26/05/2018 - 09:42

Kinh nghiệm để Cần Thơ xây dựng đô thị thông minh 

Tại Hội thảo “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025”, do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức ngày 21-5, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai mô hình đô thị thông minh, các giải pháp phát triển đô thị thông minh cho thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh thời gian tới.

Sớm phê duyệt và triển khai đề án…

Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 với quan điểm xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới, cần nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời cần có bước đi vững chắc, lộ trình cụ thể, cân đối nguồn lực, thứ tự ưu tiên đầu tư, không làm hình thức, chạy theo phong trào, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. UBND TP Cần Thơ cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết, giao cho Tập đoàn VNPT xây dựng Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 (gọi tắt là Đề án).

Tại Hội thảo, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và Tập đoàn VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các bước tiếp theo của Đề án. 

Theo Tập đoàn VNPT, Đề án do Tập đoàn VNPT xây dựng từ tháng 7-2017, cùng với sự tham gia của tất cả các sở, ngành trên địa bàn TP Cần Thơ, đến nay đã có thể chuyển giao cho thành phố. Đề án này với tầm nhìn là “Phát triển TP Cần Thơ trên nền tảng người dân làm trung tâm đô thị. Nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại. Phát triển đô thị thịnh vượng, bền vững”. Thành phố chọn ra 9 lĩnh vực trọng tâm triển khai trong giai đoạn 2018-2025 là: chính quyền số, môi trường, giao thông, quy hoạch đô thị, nông nghiệp, an toàn và an ninh, du lịch, giáo dục đào tạo và y tế. Người dân dễ dàng tương tác thông tin, tham gia giám sát quản lý đô thị, thụ hưởng dịch vụ công thuận lợi nhất. Doanh nghiệp thuận lợi khai thác thông tin từ chính quyền để phục vụ kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ mới cho đô thị. Chính quyền ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thông qua các công cụ dự báo, hỗ trợ ra quyết định; tăng cường trách nhiệm giải trình…

Ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án, cho biết: Đề án chọn ra 10 nhóm nhiệm vụ (nhóm dự án quy mô toàn thành phố, nhóm dự án xây dựng chính quyền số, nhóm dự án về quản lý quy hoạch đô thị, nhóm dự án về phát triển du lịch thông minh, nhóm dự án nông nghiệp thông minh, nhóm dự án giao thông thông minh, nhóm dự án quản lý môi trường thông minh, nhóm dự án về an ninh và an toàn đô thị...) với 57 dự án thành phần, trong đó có 4 dự án đầu tư hoàn toàn từ ngân sách, còn lại huy động mọi nguồn lực đầu tư (chủ yếu là PPP, thuê dịch vụ...). Dự kiến, trong tháng 6-2018 thành phố sẽ phê duyệt đề án, đến tháng 7-2018 khởi động đề án...

Nhiều ý kiến quý giá

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng, kết cấu hạ tầng đô thị dần được đầu tư đồng bộ, tạo nên những điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội. Song, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như: tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường, ùn tắt giao thông; công tác quản lý dân cư, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu (nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước...) vẫn còn hạn chế. Do đó, chính quyền thành phố xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP Cần Thơ. Xây dựng đô thị thông minh cũng là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

TP Cần Thơ đang hướng đến xây dựng trở thành đô thị thông minh. 

Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo – Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia TP HCM, Trưởng Phòng Thí nghiệm về khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, một đô thị có thể gọi là thông minh khi phát triển được kinh tế số bền vững và chất lượng sống cao nhờ các nguồn lực xã hội, nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông. Các đặc trưng của đô thị thông minh như: đời sống thông minh (y tế và giáo dục tốt, xã hội an toàn, có văn hóa, văn nghệ, thể thao...), môi trường thông minh (sạch đẹp, không ô nhiễm, thích ứng rủi ro...), lưu thông thông minh (đường sá tốt, giao thông không chất thải...), xã hội thông minh (xã hội dân sự thanh bình, nhiều cơ hội phát triển, con người gắn bó...), chính quyền thông minh (dịch vụ hành chính điện tử, dữ liệu mở, công khai, minh bạch...), kinh tế thông minh (kinh tế tri thức, hiệu quả cao, dễ làm kinh doanh, có văn hóa sáng tạo, cách tân...). Xây dựng đô thị thông minh là đường dài, phải gắn với các yếu tố của thời chuyển đổi số và tích cực dùng công nghệ số. Ngoài ra, đô thị thông minh cần xây dựng trên nền hạ tầng số với một lộ trình đúng và thích hợp; hợp tác Nhà nước-doanh nghiệp-viện trường trong xây dựng đô thị thông minh.

Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Thành viên sáng lập xây dựng chỉ số quản lý đô thị thế giới, cho rằng: TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, kết nối vùng ĐBSCL với các tỉnh thành khác trong nước và quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những thuận lợi, thành phố xây dựng đô thị thông minh cũng gặp những thách thức như: chưa có mô hình điểm đô thị thông minh trên thế giới tại các lưu vực sông, vùng đất thấp, với hệ sinh thái rừng ngập mặn; rủi ro từ các công nghệ mới; nguồn tài chính... Định vị mô hình TP Cần Thơ thông minh thích ứng là: kết nối vùng; áp dụng khoa học tư duy hệ thống; tìm những nét đặc sắc, bản sắc của Tây Đô (đa dạng, kết nối, hệ sinh thái rừng ngập mặn). Đồng thời, sử dụng quy hoạch là công cụ để định hướng, quản lý đô thị thông minh theo nguyên tắc và phương châm: quy hoạch, thiết kế phải thuận theo quy luật tự nhiên; quy hoạch trước – xây dựng sau; quy hoạch trước – đầu tư sau; kế hoạch trước – thi công sau; dưới đất trước – trên đất sau; quản lý theo các chỉ số thiết kế đô thị sinh thái; mục tiêu đạt tới thành phố có giá trị, có sức sống, có sức cạnh tranh, có khả năng tự phục hồi...

Bà Koh Chong Yu, Giám đốc Khu vực Cục Phát triển doanh nghiệp Singapore tại TP HCM; Lãnh sự thương mại, Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP HCM, đã chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong triển khai Chương trình Quốc gia thông minh. Theo bà Koh Chong Yu, hành trình trở thành Quốc gia thông minh của Singapore bắt đầu đầu tư năm 2014 do nhu cầu giải quyết những thách thức từ dân số già cỗi và áp lực tăng mật độ đô thị. Singapore có 5 dự án trọng điểm Chiến lược Quốc gia đã được xác định để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ số và thông minh trên khắp đất nước: hệ thống nhận dạng số quốc gia, thanh toán điện tử, nền tảng cảm biến thông minh (đẩy mạnh sử dụng các cảm biến thông minh tại nhà và hoặc nơi công cộng), lưu động thông minh (thuận lợi), khoảnh khắc cuộc sống (các cơ quan Singapore có nhiệm vụ làm cho đời sống người dân tốt đẹp). Các công ty Singapore đã tham gia vào nhiều hoạt động đổi mới này, có thể hỗ trợ, hợp tác với TP Cần Thơ xây dựng đô thị thông minh cho thành phố... 

Theo Tổ soạn thảo Đề án, về lộ trình triển khai đề án, giai đoạn 2018-2020: thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và cơ sở dữ liệu nhóm ngành lĩnh vực dùng chung cho đô thị thông minh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực; hình thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh và thể chế. Ngoài ra, xây dựng chính sách cho áp dụng mô hình PPP cho phát triển đô thị thông minh; triển khai MyCity (ứng dụng trên thiết bị di động) để truyền thông và tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ đã có và các mong muốn.

Giai đoạn 2021-2023: triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn. Giai đoạn 2024-2025: đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ cho đô thị sẽ xuất phát chủ yếu từ khối tư nhân; thành phố đóng vai trò thu thập và chia sẻ dữ liệu mở, phân tích dự báo và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đồng thời, tiếp tục cải tiến cập nhật công nghệ định hướng và xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết