18/10/2017 - 20:56

Kiến tạo để ĐBSCL phát triển an toàn, bền vững
Bài 2: Đối mặt với thách thức 

Những tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra là thách thức vô cùng to lớn, đe dọa sự tồn tại, phát triển của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của nhiều người dân trong vùng và cả nước nói chung. Để giảm thiểu thiệt hại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng, những giải pháp về bố trí lại dân cư và sản xuất cho phù hợp tình hình mới, đã và đang được triển khai.

Thách thức càng tăng

Theo dự báo của cơ quan chức năng, tới đây, khả năng lũ lớn xuất hiện ở ĐBSCL rất thấp so với khả năng xảy ra lũ nhỏ và cực nhỏ. Về dòng chảy mùa khô, việc điều tiết và vận hành thủy điện làm dòng chảy thay đổi trái quy luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động sản xuất trên đồng bằng. Số năm dòng chảy xuống thấp ngay từ đầu mùa khô có thể tăng gấp 4 lần so với hiện nay và số năm dòng chảy xuống thấp ở đầu mùa mưa tăng gấp 2 lần so với hiện nay. Điều đó làm mặn đến sớm, bất thường, ảnh hưởng đến việc sản xuất của cả 2 vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Về tải lượng phù sa, ước tính đến giai đoạn 2050-2060, khi các hồ chứa được xây xong, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn dưới 10% so với khi chưa có các công trình. Điều này làm gia tăng xói lở trên đồng bằng và các vùng cửa sông ven biển cũng như chất lượng đất canh tác. Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa hiện nay của cả vùng.

Bờ kè sông Cần Thơ (phía quận Cái Răng) được xây dựng kiên cố, chống sạt lở, góp phần tạo mỹ quan cho đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lưu vực sông Mekong hiện có 176 hồ chứa nước khai thác thủy điện, thủy lợi đã vận hành và đang xây dựng. Trong đó, trên dòng chính sông Mekong có 8 hồ chứa thủy điện, gồm 7 ở Trung Quốc và 1 ở Lào; trên dòng nhánh có 168 hồ chứa khai thác thủy điện, gồm 2 ở Thái Lan và 166 ở Lào. Riêng về thủy điện, Trung Quốc có kế hoạch xây 13 công trình, giai đoạn 1 có 7 công trình (hiện 6 công trình đã xây dựng) và giai đoạn 2 dự kiến xây 6 công trình. Còn Lào có kế hoạch xây 9 công trình thủy điện, Campuchia xây 2 công trình. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết: “Các đập thủy điện và công trình khai thác nước ở thượng nguồn gây ra nhiều thách thức về nguồn nước vùng ĐBSCL, về cơ bản vùng phải lệ thuộc vào chế độ vận hành của các đập thủy điện, không thể chủ động nguồn nước. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn ở hầu hết các khu vực biển và sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên có thể giảm khoảng 50%. Đặc biệt, các đập thủy điện có thể làm suy giảm tới 90% lượng phù sa về ĐBSCL...”.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL nhận hơn 85% lượng nước từ dòng Mekong trước khi đổ ra biển Đông và Vịnh Thái Lan, với khoảng 160 triệu tấn phù sa là “áo giáp” bảo vệ đồng bằng và mang dinh dưỡng nuôi nhiều loài, tạo đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện đã làm cho nguồn nước sông Mekong bị biến đổi; phù sa, bùn cát bị chặn lại, gây nhiều mối nguy cho ĐBSCL, đặc biệt là tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng thời gian qua. Mỗi năm ĐBSCL đang bị mất hơn 500ha đất và xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cũng bày tỏ lo lắng, bởi các đập thủy điện trên sông Mekong hiện đã làm lượng phù sa mịn về ĐBSCL giảm 50%,  từ 160 triệu tấn còn 83 triệu tấn/năm. Dự kiến sau khi 11 đập ở lưu vực sông Mekong hoàn thành, phù sa mịn sẽ tiếp tục giảm thêm 50% nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại. Khi thiếu phù sa, cát sỏi đất đai sẽ bạc màu và sạt lở sẽ gia tăng dữ dội. Bên cạnh đó, sụp lún đất trong vùng ngày càng nghiêm trọng và diễn ra nhanh hơn so với nước biển dâng do khai thác nước ngầm quá mức tại nhiều địa phương, nhất là các khu vực ven biển. Hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang sạt lở và bị de dọa sạt lở với tổng chiều dài trên 890km. Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang đối mặt với thách thức ô nhiễm nước và không khí do canh tác thâm canh 3 vụ lúa liên tục và nuôi thủy sản thâm canh, sử dụng nhiều phân bón, nông dược và các hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm và xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý…

 Nỗ lực ứng phó

Nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ven sông, biển, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống đê sông, đê biển gắn với đầu tư trồng rừng phòng hộ và sắp xếp, bố trí lại dân cư. Trong đó, công trình kè ngầm chắn sóng được đánh giá là tối ưu tới thời điểm hiện tại, với chiều dài khoảng 10km. Hiện tuyến bờ kè kiên cố chống sạt lở tại Mũi Cà Mau với chiều dài trên 2,7km xây dựng hoàn thành, ứng phó với những cơn sóng dữ, bảo vệ mũi Cà Mau. Công trình chống sạt lở tuyến đê biển Tây với tổng chiều dài 14km được xây dựng cũng phát huy hiệu quả rất tốt. Song, theo nhận định của ngành chức năng, Cà Mau còn rất nhiều điểm sạt lở ở bờ Đông lẫn bờ biển Tây.

Ông Võ Văn Ngoan, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre, cho biết: “Nhiều năm nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Bến Tre đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho các công trình đê, đập chống sạt lở, hạn chế xâm nhập mặn. Nhờ đó, những thiệt hại từ thiên tai do BĐKH gây ra đã được hạn chế, giảm tác hại. Tuy nhiên, để ứng phó tốt hơn với BĐKH, tới đây Trung ương cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn và các địa phương vùng ĐBSCL cần thiết lập quy chế phối hợp, nhất là quy hoạch và triển khai đồng bộ hệ thống thủy lợi, đê, đập chống sạt lở, ngăn mặn; điều tiết sử dụng nước và chống ngập úng cho toàn vùng...”. Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh cũng huy động nguồn vốn đầu tư gần hàng trăm tỉ đồng cho việc gia cố đê, xây dựng các tuyến kè và công trình ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện các công trình nhìn chung còn quá ít, buộc phải đầu tư theo kiểu chắp vá, trong khi những đoạn đê, kè không hoàn chỉnh sẽ bị sóng biển tiếp tục làm sạt lở. Lúc đó, kinh phí sửa chữa, xây mới sẽ tăng. Do vậy, tỉnh rất cần các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho công tác ứng phó BĐKH.

Để hỗ trợ ĐBSCL, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cũng triển khai một số dự án quan trọng thúc đẩy phát triển vùng như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VNSAT), Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn khác nhằm linh hoạt trong sử dụng đất lúa để thích ứng BĐKH, tiết kiệm nước tưới. Nhiều diện tích đất từ độc canh cây lúa đã được chuyển đổi sang các cây trồng khác hiệu quả hơn hoặc được canh tác luân canh giữa lúa và các loại cây trồng, vật nuôi khác, phát huy được hiệu quả sản xuất.

Bộ NN&PTNT cũng đã kết hợp các địa phương vùng ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa xuân hè và tăng vụ thu đông.  Kết quả là diện tích lúa xuân hè giảm khoảng 30.000ha, lúa thu đông tăng từ 472.000ha năm 2005 lên 824.000ha năm 2016. Cùng với đó, trong giai đoạn 2011-2017, các viện, trường và đơn vị có liên quan đã nghiên cứu và lai tạo nhiều giống lúa mới cho vùng. Trong đó, có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. Các quy trình canh tác lúa bền vững thích nghi với BĐKH cũng được tăng cường áp dụng rộng rãi trong vùng như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt theo VietGap, GlobalGAP. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đã liên kết phát triển các mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích hiện đạt hơn 196.087ha, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng khả năng ứng phó BĐKH và ổn định đầu ra nhờ có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Trong chăn nuôi, hiện cũng hình thành một số mô hình thích ứng tốt BĐKH như: mô hình lúa-tôm, tôm rừng tại vùng ven biển, nuôi vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến, ong... Rừng ngập mặn và các hệ sinh thái tự nhiên đã được chú ý phát triển trở lại tại một số địa bàn.

Để ứng phó với BĐKH, TP Cần Thơ cũng kịp thời xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”… Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, thành phố rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng BĐKH. Thành phố tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như quan tâm chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi khác, giúp mang lại hiệu quả cao hơn và thích ứng BĐKH. Nhiều nông dân quan tâm áp dụng giải pháp kỹ thuật và mô hình sản xuất tiết kiệm nước tưới như: mô hình sản xuất luân canh giữa lúa và hoa màu, lúa và thủy sản, phun tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái…

Đạt nhiều kết quả rất tích cực nhưng việc chuyển đổi sản xuất và bố trí lại dân cư tại các địa phương được đánh giá là vẫn còn chậm do gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu ổn định và phát triển trong tình hình mới. Kinh tế của vùng ĐBSCL còn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nhiều nơi dân cư tập trung sống cặp theo các bờ sông, kênh rạch nên rất dễ bị thiệt hại do thời tiết, thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông đang xảy ra nghiêm trọng. Trong điều kiện các lợi thế về tự nhiên đã ngày càng trở nên bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là loại cây trồng cần tiêu tốn rất nhiều nước tưới là lúa, đòi hỏi Trung ương cần có các hỗ trợ cần thiết để các tỉnh, thành ĐBSCL kịp thời chuyển đổi sản xuất và ổn định đời sống, sinh kế cho người dân trong vùng.

KHÁNH TRUNG - HÀ VĂN

Bài cuối: Đổi mới tư duy và hành động ngay

Chia sẻ bài viết