02/11/2017 - 08:41

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Kiến nghị đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 

Sáng 1-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020. Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển ngành dịch vụ logistics; phát triển khoa học công nghệ; đưa rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực; các vấn đề văn hóa - xã hội như bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại tình dục đang gây bức xúc xã hội hiện nay, đạo đức văn hóa xã hội xuống cấp…

Vận chuyển hàng qua cảng Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Các đại biểu đề cập đến vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay là tình trạng xâm hại trẻ em và đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến giáo dục giới tính, đến Luật Giám định tư pháp, đến việc vấn đề văn hóa- nền tảng đạo đức của con người, đạo đức xã hội…

Đặt vấn đề tăng thu nhập cho người dân nông thôn nói chung, đặc biệt ở vùng miền núi, đại biểu kiến nghị đối với miền núi, đồng bằng, cần lựa chọn loại quả, rau, hoa phù hợp mỗi địa phương trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo ở vùng nông thôn. Cùng với đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia, đại biểu cho rằng phát triển các hợp tác xã nông thôn để trồng quả, rau, hoa xuất khẩu là một hướng khả thi góp phần giảm nghèo tương đối hiệu quả, bởi thị trường thế giới tiêu thụ rất lớn.

Phân tích thông tin từ Bộ Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các đại biểu cho rằng dịch vụ logistics là một ngành kinh tế quan trọng, rất có điều kiện phát triển ở Việt Nam, là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh, bền vững GDP và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đại biểu kiến nghị Chính phủ thay đổi quan niệm về quản lý và phát triển logistics. Cần quan niệm logistics là bài toán vĩ mô chứ không phải là nhiệm vụ riêng của từng địa phương bởi thực tế đang thiếu bàn tay điều hành trực tiếp ở cấp vĩ mô của Chính phủ nên các hoạt động logistics trở nên cục bộ, không hiệu quả. Tiếp đến, cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia, đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế, không qua trung chuyển. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng, phát triển đội tàu viễn dương, giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài; xây dựng nhanh trục đường sắt hai chiều Bắc - Nam làm xương sống cho hệ thống logistics nội địa…

THANH VÂN - PHAN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết