13/10/2018 - 09:37

Kiểm soát quyền lực- việc cần làm ngay 

Bài 2: Khi người được trao quyền bị tha hóa

 

Mặc dù thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, song vẫn còn có lúc, có nơi, việc sử dụng quyền lực chưa đúng, tùy tiện, làm mất đoàn kết nội bộ, sai phạm, lợi ích nhóm... Hậu quả là một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật, thậm chí bị phạt tù…

Lạm quyền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn

Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được phanh phui; trong đó, có không ít vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng chức vụ quyền hạn... Nhiều người dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức vẫn cho rằng “khi đã nắm quyền trong tay thì cán bộ có xu hướng lạm quyền”. Đây là vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn, để tìm ra giải pháp “triệt tiêu” lạm quyền, lợi ích nhóm.

Kiểm tra, giám sát là công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực. Trong ảnh: Ban Nội chính Thành ủy kiểm tra công tác PCTN, nội chính tại Đảng ủy phường Phước Thới, Ô Môn.

Ranh giới giữa lạm quyền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn rất mong manh, khó phân biệt rạch ròi. Trong vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải xảy ra vào tháng 7-2016, có ý kiến cho rằng, có hành vi lạm quyền; nhưng cũng có ý kiến đó là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Một số thanh tra giao thông trong quá trình thực thi công vụ đã có hành vi sử dụng quyền kiểm tra, kiểm soát các loại xe để “gây khó dễ”, “moi tiền” của doanh nghiệp. Thậm chí Phó Chánh thanh tra còn cho phép cấp dưới nhận tiền để sử dụng cho mục cá nhân và chi cho hoạt động chung của đội. Qua đó cho thấy, những thanh tra giao thông tham gia vào “guồng máy” này đã bị tha hóa về quyền lực. Một số thanh tra viên thấy lãnh đạo làm sai cũng chấp nhận tham gia vào “guồng quay” đó để tồn tại và cùng hưởng lợi ích. Sự ngang nhiên lộng hành của “nhóm lợi ích” này đã gây bất bình trong các doanh nghiệp vận tải và những nhà xe, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này, qua lời khai của các bị cáo cho thấy, họ đều nhận thức được hành vi sai trái của mình, nhưng do đã tham gia “cuộc chơi” thì phải chấp nhận. Các bị cáo thừa nhận hoạt động của thanh tra giao thông thời gian qua ít bị kiểm tra, giám sát nên nếu không có bản lĩnh và tu dưỡng đạo đức, thì dễ sa ngã. Quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã nhận thấy hoạt động của thanh tra giao thông là độc lập, ít bị kiểm tra, giám sát nên dễ dẫn đến lạm quyền, tùy tiện, phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Anh Lĩnh, tài xế xe tải của một công ty ở Hậu Giang nói: “Rõ ràng những thanh tra giao thông nhận tiền ở Cần Thơ là quá lạm quyền. Xử lý thật nghiêm những người này, chúng tôi rất đồng tình”.       

Các thanh tra giao thông nhận hối lộ đã lãnh mức án nghiêm khắc từ 7 năm tù đến chung thân. Người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu của Sở Giao thông vận tải thành phố và người đứng đầu Thanh tra giao thông cũng đã bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền. Từ sai phạm trên cho thấy, việc kiểm soát thực thi công vụ của cán bộ, công chức nơi đây còn nhiều hạn chế, cần phải khắc phục. Người đứng đầu Thanh tra giao thông yếu kém về năng lực, không có biện pháp kiểm tra, giám sát cấp dưới để chống tiêu cực, còn có biểu hiện bao che cho vi phạm. Hoạt động của chi bộ ở đây cũng bị tê liệt, không có đấu tranh để phát triển.

Lạm quyền không chỉ xảy ra đối với những người có chức vụ lớn, mà ngay cả đối với những cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ, khi không tu dưỡng bản thân. Như trường hợp nguyên kế toán Hội Nông dân huyện Phong Điền, bị kết án 5 năm tù do lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kế toán để tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của các dự án, Quỹ hỗ trợ nông dân và tiền khen thưởng của các đơn vị, cá nhân.

Thiếu trách nhiệm

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Thành ủy vào đầu tháng 8 vừa qua, ông Lê Hoàng Thông, Phó Chánh Thanh tra thành phố, cho rằng: Qua thanh tra cho thấy có nhiều lãnh đạo địa phương, sở, ngành thừa nhận đã biết cán bộ có những biểu hiện sai phạm, nhưng do nể nang nhau, ngại đụng chạm nên để cho hành vi sai phạm đó kéo dài. Điều này thể hiện rõ việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành.

Đơn cử như những sai phạm của chính quyền địa phương, cán bộ của quận Bình Thủy trong công tác quản lý sử dụng đất; xây dựng công trình nhà ở thuộc phạm vi dự án đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918 và dự án Khu Đô thị mới Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1 và 2). Trong vụ việc này, các ngành chức năng quận Bình Thủy đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ưu ái, dễ dãi, quản lý yếu kém, cho phép điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, tách thửa, chia lô, bán nền, cấp phép xây dựng nhà trái quy hoạch được duyệt. Hệ quả là nhà được xây dựng không phép, sai phép nhưng không bị xử lý; rạch bị san lấp, đất bị lấn chiếm, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công tác triển khai, thực hiện đề án khai thác quỹ đất thành phố giai đoạn 2017-2021. Do mức độ nghiêm trọng, Thanh tra thành phố đã kiến nghị chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố điều tra, làm rõ.

Với việc tổ chức chọn thầu trái quy định (giai đoạn 2012-2015); không lập hồ sơ sổ sách chứng từ kế toán và một số hạn chế thiếu sót như: ban hành quy chế chi tiêu nội bộ có nhiều nội dung chưa đúng quy định; không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện chi thường xuyên, chi tăng thu nhập không đúng quy định… cho thấy Trung tâm xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt đã thiếu trách nhiệm trong quản lý. Các cá nhân, tổ chức sai phạm đã phải nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Còn nhiều vụ án, vụ việc đã được các ngành, các cấp điều tra, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xác định có hành vi thiếu trách nhiệm cần được khắc phục, chấn chỉnh. Ông Phạm Thanh Vận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho rằng, mỗi thời kỳ việc sử dụng quyền lực đều có sự khác nhau. Trước đây, cơ chế kiểm soát quyền lực ít, nhưng việc sai phạm xảy ra không nhiều. Còn hiện nay, có nhiều điều kiện để kiểm soát, công khai, dân chủ nhưng tình trạng sai phạm trong sử dụng quyền lực lại xảy ra nhiều. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế quy định ràng buộc việc công khai, minh bạch và một số cán bộ thiếu tâm, thiếu bản lĩnh và thiếu trui rèn, phẩm chất đạo đức.

Thực tế hiện nay, sự hiểu biết của người dân về quyền hạn của cán bộ nhà nước chưa đầy đủ và rõ ràng nên vai trò giám sát của người dân đối với cán bộ còn rất hạn chế. Chị Ngọc Lan, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, nói: “Trong nhiều trường hợp người dân chưa đồng ý với việc làm của cán bộ, chính quyền địa phương nhưng không biết hỏi ai, kiến nghị như thế nào và khi có ý kiến thì có ảnh hưởng gì đến công việc, cuộc sống không... nên đành im lặng. Bên cạnh đó, một số cán bộ cấp dưới thấy lãnh đạo có những quyết định chưa đúng, nhưng không dám nói vì sợ ảnh hưởng công việc. Có thể nói, sự dung dưỡng này hình thành suy nghĩ, thói quen cấp dưới phải phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên và dẫn đến lạm quyền”. Còn ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy cho rằng, mấu chốt của vấn đề là hiện nay một số đảng viên đang mất dần sức chiến đấu trong tự phê bình và phê bình.

Trong 5 năm qua (2013- 17/9/2018), Cơ quan điều tra của thành phố đã thụ lý 24 vụ/41 bị can liên quan đến tham nhũng. Qua đó, đã giải quyết 20 vụ/37 bị can, đang điều tra 3 vụ/3 bị can, tạm đình chỉ 1vụ/1 bị can. TAND hai cấp đã thụ lý và giải quyết 24 vụ/43 bị cáo. Tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng khoảng 24 tỉ đồng, đã thu hồi được 4 tỉ đồng.  

(Còn tiếp)

Bài cuối: Để quyền lực được kiểm soát chặt chẽ

Chia sẻ bài viết