09/01/2018 - 10:30

Kiểm định chất lượng giáo dục - định vị để phát triển 

Kiểm định chất lượng (KĐCL) cơ sở giáo dục đại học (ĐH) là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành. Từ đó giúp các cơ sở giáo dục ĐH định vị để nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Thời gian qua, các trường ở Cần Thơ đã, đang thực hiện KĐCL giáo dục, từng bước khẳng định thương hiệu.

Xu thế tất yếu

Từ năm 2004, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên cả nước đã triển khai thực hiện hoạt động KĐCL giáo dục và các chương trình đào tạo. Tại TP Cần Thơ, nhiều trường ĐH như: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ; CĐ Cần Thơ, CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ… đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí (ĐBCL&KT), với chức năng tham mưu, giúp việc và tư vấn cho Hiệu trưởng về xây dựng và thực hiện kế hoạch ĐBCL&KT, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị. Các trường đã công khai trên trang thông tin điện tử của trường về các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, chuẩn đầu ra…); đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, cựu sinh viên nhằm cải tiến, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. 

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học (Trường ĐH Cần Thơ) thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.KIÊN

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học (Trường ĐH Cần Thơ) thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.KIÊN

Năm 2009, Hội đồng quốc gia KĐCL giáo dục đã thẩm định kết quả và công nhận chất lượng Trường ĐH Cần Thơ, với số phiếu tán thành đạt 92,86%. Năm 2016, QS University Rankings xếp hạng trường trong nhóm 251-300 trường ĐH hàng đầu Châu Á. 5 năm trở lại đây, trường luôn được xếp trong nhóm 4 trường hàng đầu Việt Nam theo Webometrics. Trước đó, giai đoạn 2012-2016, trường đã thực hiện tự đánh giá chất lượng, nhằm tự rà soát, xem xét toàn diện để thực hiện kế hoạch cải tiến. Trên cơ sở đó, trường có điều chỉnh mục tiêu, lựa chọn giải pháp phát triển một cách phù hợp.

Chẳng hạn, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên là một trong 10 tiêu chuẩn mà trường ĐH Cần Thơ hết sức quan tâm. Nhiều năm nay, trường có quy định về tiến trình phấn đấu nâng cao trình độ đối với giảng viên; có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ giảng viên học tập nâng cao. Các chủ trương, chính sách liên quan đến sự phát triển trường, đến cán bộ, giảng viên và nhân viên đều có sự đóng góp trí tuệ của tập thể. Trường có biện pháp chính sách cụ thể tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học; đặc biệt là các hoạt động ngoài nước, nhằm góp phần nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học… Nhờ vậy, hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ sau ĐH của trường chiếm 90,9%. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, trường đang phấn đấu năm nay, 100% giảng viên có trình độ sau ĐH.

Tương tự, sau 15 năm thành lập, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao cho ĐBSCL và cả nước. Quy mô hiện nay của trường trên 13.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo. Từ năm 2008 trường đã thực hiện tự đánh giá hoạt động các đơn vị trực thuộc. Giai đoạn 2014-2017, trường triển khai tự đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn thử nghiệm của Bộ Y tế, bộ tiêu chuẩn định hướng của AUN-QA và chính thức là theo bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. Trong 10 tiêu chuẩn, chuẩn về đội ngũ cán bộ, giảng viên đặc biệt được trường quan tâm phát triển.

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Xác định đội ngũ cán bộ, giảng viên là một trong những nhân tố tiên quyết để trường phát triển, 5 năm đầu thành lập, trường tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao đời sống vật chất cán bộ, giảng viên. Trường ban hành các chính sách hỗ trợ cán bộ giảng viên trẻ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Từ hơn 200 cán bộ, giảng viên ban đầu, nay trường có 657 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 446 giảng viên cơ hữu. Giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm trên 68%.

Khẳng định thương hiệu

Trong tháng 12-2017 vừa qua, hai trường ĐH tại TP Cần Thơ đã tiếp đoàn chuyên gia do Bộ GD&ĐT chỉ định, đến khảo sát, đánh giá chất lượng trường theo bộ tiêu chuẩn KĐCL. Đó là Trường ĐH Cần Thơ (do Trung tâm KĐCL giáo dục, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khảo sát) và ĐH Y Dược Cần Thơ (do Trung tâm KĐCL giáo dục, ĐH Đà Nẵng khảo sát). Lãnh đạo  ĐH Cần Thơ cho biết, đi đôi chương trình đánh giá chất lượng để được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định, đây còn là cơ hội để trường rà soát, nhìn nhận hiệu quả hoạt động một cách toàn diện. Từ đó, đề ra giải pháp  tiếp tục nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín và vị thế của trường trong cả nước, khu vực và trên thế giới.

Định hướng phát triển của ĐH Cần Thơ vào năm 2022, sẽ trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Để đạt mục tiêu này, ĐH Cần Thơ cam kết đảm bảo chất lượng thông qua thường xuyên đổi mới và hội nhập trong đào tạo; sáng tạo và năng động trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; gắn lý thuyết với thực hành để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho người học khi ra trường đạt hiệu quả cao trong công việc, có năng lực lãnh đạo và thích ứng với thay đổi.

Đối với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, qua kết quả tự đánh giá, hội đồng đánh giá trường nhận thấy, tuy đạt được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn một vài tiêu chí trường chưa đạt kết quả tuyệt đối do thiếu minh chứng hoặc có thực hiện nhưng chưa làm tốt. Từ nay đến năm 2020, Đảng ủy- Ban Giám hiệu trường sẽ triển khai kế hoạch nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt hạn chế. Qua đó từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phát triển trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành ĐH Khoa học sức khỏe định hướng ứng dụng, là ĐH trọng điểm với các chương trình đào tiên tiến- xuất sắc, hội nhập và Bệnh viện trường hiện đại, kỹ thuật cao. PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Trường sẽ nỗ lực hoàn thiện những điểm chưa đạt yêu cầu để không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với nhiệm vụ, niềm tin mà các cấp lãnh đạo, cơ quan chủ quản và nhân dân trong vùng kỳ vọng.

PGS.TS Lê Văn Anh, Trưởng đoàn chuyên gia Đánh giá ngoài của Trung tâm KĐCL giáo dục- ĐH Đà Nẵng, cho biết: Đến nay, đã có 51 cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước được kiểm định đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục. Riêng ĐH Y Dược Cần Thơ, kết quả khảo sát chính thức, báo cáo đánh giá ngoài sẽ hoàn thành trong năm nay. Các cơ sở giáo dục ĐH được KĐCL là cơ sở để các trường khẳng định thương hiệu, tạo lòng tin với xã hội về chất lượng.

KĐCL giáo dục có lịch sử phát triển lâu đời ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Hiện nay, KĐCL giáo dục ngày càng trở nên phổ biến hơn, bởi đây là công cụ hữu hiệu giúp nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30-6-2017, cả nước có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. Trong đó, ở ĐBSCL có các trường ĐH: Cần Thơ, Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Tây Đô, Nam Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh,…

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết