13/07/2018 - 21:45

Kiềm chế tính hiếu thắng ở trẻ 

Ngày đầu tiên đưa con gái đến lớp học đàn, khi về, chị L. (quận Ninh Kiều) hỏi con việc học. Con gái vội vàng khoe với mẹ tiếp thu bài rất tốt vì vốn học giỏi, thông minh và không quên chê bai mấy bạn cùng lớp… Thấy con thể hiện mình hơi quá, chị L. liền ngăn lại. Việc con gái luôn tỏ ra hiếu thắng, hơn thua, khiến chị L. lo lắng…

Tuy là môn thể thao ưa vận động, mạnh mẽ nhưng nhiều phụ huynh chọn cho con học võ  để kiềm bớt tính hiếu thắng của con.

Chị L. tâm sự: "Từ nhỏ, con gái thích được khen, làm việc gì cũng muốn hơn và thắng người khác. Mỗi lần con thất bại là ủ rũ, bực tức, thậm chí luôn tự trách bản thân. Tôi muốn giúp con kiềm chế tính cách này nhưng chưa hiệu quả". Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ có tinh thần thi đua quyết liệt là bình thường và việc cố gắng hết sức để hơn người khác cũng chẳng sai. Trong thực tế, những đứa trẻ hiếu thắng thường có biểu hiện vượt trội về thể chất, trí tuệ hoặc năng khiếu. Qua đó, giúp trẻ có thành tích và thành đạt trong cuộc sống. Điều quan trọng, các bậc phụ huynh cần trân trọng tài năng, khéo léo truyền đạt và hướng trẻ đến những giá trị đích thực.

Thực tế, trong mắt nhiều phụ huynh, con trẻ làm điều gì cũng hay, cũng giỏi. Đây là hiện tượng tâm lý bình thường, tuy nhiên, về lâu dài có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt, như: dễ sinh tính tự cao, ảo tưởng khả năng của mình. Chị N. (quận Bình Thủy) bộc bạch: "Con gái tôi rất đáng yêu, xinh xắn, má lúm đồng tiền duyên dáng... Hầu như ai gặp lần đầu cũng khen. Lúc đầu, tôi rất vui, tự hào nhưng càng về sau càng lo lắng". Được mọi người khen nên con gái chị N. ý thức vẻ đẹp và chú ý nhiều đến hình ảnh. Mỗi lần cùng mẹ đi đâu, con gái tự chọn quần áo và ngắm nghía rất lâu. Điều chị lo nhất là con gái không chịu mặc quần áo cũ, lén lấy phấn son của mẹ để trang điểm và buồn bực mỗi khi không được khen xinh đẹp…

Lời khen có ý nghĩa tích cực, động viên, khích lệ trẻ, giúp trẻ thêm tự tin, nhưng quan trọng là phải khen "đúng lúc, đủ liều lượng". Chị Hồng Hạnh (quận Bình Thủy) cho biết: "Để con có tinh thần phấn đấu, ý chí tiến thủ trong học tập, tôi thường kể về những thành tích học tập nổi trội của con bạn tôi, tấm gương hiếu học... Lúc đầu, con không để ý nhưng có ý thức sửa đổi dần". Rõ ràng, trong trường hợp này, lời "khích tướng" của chị Hạnh có tác dụng tích cực, giúp con thêm động lực. Tuy nhiên, cần tránh trường hợp "tác dụng phụ" phát sinh, vô tình tạo nên áp lực, hình thành tâm lý so sánh hơn thua trong trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, chị L. (quận Ninh Kiều) bộc bạch: "Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng và phụ huynh cần có cách giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, với những đứa trẻ từ bé có xu hướng "tranh giành, hơn thua", các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý. Bên cạnh kiềm chế tính hiếu thắng trong cuộc sống hằng ngày, các phụ huynh cần dạy con tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản", biết đối diện khó khăn, thất bại. Điều quan trọng là con đã cố gắng hết sức".

Bài, ảnh:  ĐAN NHƯ

Chia sẻ bài viết