15/10/2009 - 08:31

Khủng hoảng chính trị ở Roumanie

Thủ tướng bị bất tín nhiệm Emil Boc trước Quốc hội Roumanie ngày 13-10. Ảnh: AP

“Chính trị tiếp tục là một trong những gót chân Achille (điểm yếu) của Roumanie”. Đó là nhận xét của nhà phân tích chiến lược người Áo Simon Quijano-Evans sau khi chính phủ trung hữu của Thủ tướng Emil Boc không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất nhiệm tại Quốc hội Roumanie ngày 13-10.

Có 258 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ quyết định bất tín nhiệm chính phủ và 176 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1990, một chính phủ đương nhiệm ở Roumanie bị sụp đổ do lá phiếu bất tín nhiệm của các nhà lập pháp.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Boc thành lập một chính phủ lâm thời “bất hợp pháp”, chỉ bao gồm những thành viên trong đảng Dân chủ Tự do (PDL), sau khi đảng Dân chủ Xã hội (PSD) rút khỏi liên minh cầm quyền ngày 1-10 vừa qua nhằm phản đối việc cách chức Bộ trưởng Nội vụ Dan Nica, thành viên PSD. Ông Dan Nica bị Thủ tướng Boc sa thải sau khi cáo buộc Tổng thống Traian Basescu, vốn là thành viên của PDL, “có ý định gian lận” trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Trước đó, PSD và PDL buộc phải thành lập liên minh cầm quyền vì không có đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 30-11-2008 để tự thành lập chính phủ. PDL chỉ có 167 ghế trong quốc hội 471 thành viên của Roumanie.

Về mặt lý thuyết, các đảng đối lập có thể thành lập một liên minh tạm quyền sau khi chính phủ PDL tan rã. Theo các nguồn tin, tất cả các đảng đối lập đều ủng hộ thành lập một chính phủ kỹ trị do một nhân vật phi đảng phái làm thủ tướng. Tuy nhiên, Tổng thống Traian Basescu, thành viên của PDL, mới có đặc quyền quyết định theo Hiến pháp. Vì thế, Tổng thống Basescu vẫn có quyền tái chỉ định ông Emil Boc hoặc một nhân vật nào đó của PDL đứng ra thành lập chính phủ mới cho tới khi cử tri Roumanie bầu được tổng thống mới.

Cuộc bầu cử tổng thống vòng một dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22-11, nếu không có ứng cử viên thắng cử với số phiếu quá bán thì sẽ bước vào vòng hai vào ngày 6-12. Ông Basescu được dự đoán sẽ tái đắc cử, dù có thể phải qua vòng hai. Vấn đề là ông Basescu khó có thể an tâm với cơ cấu quyền lực trong quốc hội hiện nay và buộc ông phải đưa ra quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào đầu năm tới.

Xem ra cuộc khủng hoảng trên chính trường Roumanie khó có thể sớm được giải quyết. Các nhà phân tích cho rằng tình hình này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình suy thoái kinh tế vốn đã bị tổn thương của quốc gia Đông Âu này. Thứ nhất, nhiều khả năng dự thảo ngân sách 2010 sẽ lâm vào bế tắc. Thứ hai, tiến trình đàm phán vay 25 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 21-10 sẽ khó được khai thông, bởi chính phủ mới không thể thực hiện các bước cải cách theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Roumanie cần khoản tiền này để vực dậy nền kinh tế và giải quyết khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục lên tới 5,3 tỉ euro.

Không có số tiền vay thì nền kinh tế Roumanie khó sớm thoát khỏi suy thoái và nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng kinh tế của Roumanie, đạt hơn 8% năm 2008, nhưng dự đoán sẽ sụt giảm cũng ngần ấy trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp đã vượt qua con số 10,5% so với 7,5% hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Reuters, JWS, Xinhua, Sofiaecho)

Thủ tướng bị bất tín nhiệm Emil Boc trước Quốc hội Roumanie ngày 13-10. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết