25/03/2016 - 08:29

Khuấy động “sân sau”

Khác với chuyến thăm Cuba, chuyến thăm Argentina lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ có ý nghĩa đánh dấu sự kết thúc thời kỳ căng thẳng chính trị kéo dài giữa hai nước, mà còn biểu dương chính sách cải cách lớn của tân Tổng thống Mauricio Macri chỉ sau hơn 100 ngày đầu cầm quyền, đồng thời qua đó khuyến khích trào lưu thay đổi ở nhiều nước thuộc khu vực Nam Mỹ vốn được ví von là "sân sau" của Mỹ.

Ông Obama (trái) trong dinh tổng thống của ông Macri hôm 23-3. Ảnh: AFP

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm, ông chủ Nhà Trắng hết lời ca tụng Tổng thống Macri là "người đàn ông sốt sắng thực hiện cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho đất nước, tái kết nối Argentina với nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế". "Argentina đang tái đảm đương vai trò lãnh đạo truyền thống trong khu vực và trên thế giới" - ông Obama nhấn mạnh. Tại buổi yến tiệc sau đó, ông Obama còn cao hứng nhảy một điệu tango và nâng ly nói về Tổng thống nước chủ nhà: "Thế giới đã ghi nhận sự hăm hở của ông Macri trong việc đưa Argentina tái hội nhập cộng đồng quốc tế. Đây là sự khởi đầu mới".

Nhà Trắng cũng thông báo hai nước đã ký thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư. Mỹ cam kết hỗ trợ Argentina tham gia đầy đủ vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các định chế tài chính và diễn đàn kinh tế đa phương toàn cầu khác. Giới doanh nghiệp Mỹ thì dự tính sẽ đầu tư vào Argentina 2,3 tỉ USD trong vòng 18 tháng tới. Ngoài ra, Tổng thống Obama hứa sẽ "giải mật" hồ sơ cuộc đảo chính và quá trình tồn tại chế độ độc tài ở Argentina dẫn đến cuộc "chiến tranh bẩn" (1976-1983) gây ra cái chết của 30.000 người chống đối thuộc lực lượng cánh tả mà trong đó có liên quan đến sự hậu thuẫn, can dự trực tiếp của giới tình báo và quân sự Mỹ.

Có thể nói, từ khi lên nắm quyền sau 12 năm Argentina nằm dưới sự lãnh đạo của cố Tổng thống Nestor Kirchner và phu nhân Christina Fernandez, ông Macri đã đẩy mạnh cắt giảm bộ máy công quyền và cải cách hệ thống kinh tế nhà nước nhằm đáp ứng đòi hỏi của IMF; chấp nhận thanh toán vốn và lãi sòng phẳng cho các quỹ đầu cơ chuyên trục lợi của giới tài phiệt Mỹ thời kỳ vỡ nợ 100 tỉ USD năm 2001. Ông còn tự tách bạch mình với khối đồng minh cánh tả trong khu vực và tìm kiếm các nguồn lực đầu tư mới từ các nước phương Tây cho nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ La-tinh.

Giới phân tích cho rằng Tổng thống cánh hữu Macri là người theo đuổi mô hình tự do mới và hy vọng mô hình ấy không đẩy Argentina trở lại thời kỳ cũng từng bị các thế lực ở Mỹ "khuấy động" khiến các chính phủ khu vực cạn kiệt nguồn thu ngân sách, gây ra khủng hoảng nợ công, đời sống đông đảo người dân lâm vào khốn khó buộc họ phải chọn con đường cánh tả xây dựng xã hội, kinh tế, lập lại chủ quyền quốc gia.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết