29/06/2018 - 09:31

Không thờ ơ với biến đổi khí hậu 

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tham gia nhiều phần việc ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH): trồng cây xanh, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thay đổi mô hình sản xuất… Tuy nhiên, vai trò ĐVTN trong các hoạt động này còn hạn chế vì nhận thức chưa cao, chưa thấy rõ tác hại của BĐKH đối với đời sống.

Đoàn viên thanh niên xã Nhơn Nghĩa trồng bần ven bờ sông. Ảnh: PHẠM TRUNG
Đoàn viên thanh niên xã Nhơn Nghĩa trồng bần ven bờ sông. Ảnh: PHẠM TRUNG

Chung tay vì môi trường sống

Từ đầu tháng 5-2018 đến nay, Huyện đoàn Phong Điền triển khai trồng cây bần dọc bờ sông Cần Thơ thuộc địa bàn các xã Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa. Anh Trương Chí Trung, Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa, cho biết, Ban Chấp hành Xã đoàn cùng các ban, ngành, đoàn thể ấp tham gia vận động người dân đóng góp cây trồng để chống sạt lở cũng như chăm sóc, bảo vệ các cây đã trồng. Đến nay, Xã đoàn trồng gần 100 cây bần. Anh Đỗ Ngọc Quới, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền, thông tin: “Công trình trồng 3.600 cây bần ven bờ sông để tạo mảng xanh và chống sạt lở do Huyện đoàn phối hợp Chi đoàn Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ thực hiện. Nếu công trình này thành công, Huyện đoàn nhân rộng trồng dọc theo các con rạch trong huyện. Ngoài công trình này, Huyện đoàn còn tăng cường trồng cây trên các tuyến đường, vận động ĐVTN giúp dân kè mé chống sạt lở các đoạn đường”.

Lê Đức Huy, sinh viên ngành Kỹ thuật nông nghiệp khóa 41, Trường Đại học Cần Thơ, tham gia nghiên cứu đề tài “Ứng dụng hệ thống quan trắc trong sản xuất nông nghiệp”. Ứng dụng gồm các cảm biến có thể tích hợp hệ thống đo nhiệt độ, độ ẩm đất… Qua đó, giúp nông dân kiểm soát việc tưới tiêu, giảm công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nghiên cứu này được thử nghiệm đạt hiệu quả ở đồng ruộng của nông dân xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Sắp tới, Đức Huy và nhóm nghiên cứu sẽ đưa vào thử nghiệm trong môi trường nhà lưới. Huy cho biết: “Việc hiểu biết về môi trường trồng trọt sẽ giúp nông dân canh tác tốt hơn. Mỗi bộ đo nhiệt độ, độ ẩm có giá khoảng 1,7 triệu đồng nên tôi nghĩ sẽ giúp ích cho nhiều nông dân”.

Nâng cao nhận thức của ĐVTN

Đoàn Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, có nhiều hoạt động tham gia ứng phó BĐKH, như: tổ chức trồng cây xanh ở các trường học, tuyên truyền tác động BĐKH trong người dân, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu các giống cây trồng thích nghi… Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cách ứng phó BĐKH. Tuy nhiên, ĐVTN nhiều địa phương còn chưa quan tâm hoặc chưa nhận thức tác hại của BĐKH. “Một số ĐVTN không hình dung BĐKH tác động thế nào đến đời sống. Thậm chí có lần, chúng tôi giới thiệu những phương pháp tưới tiết kiệm nước, giống cây trồng mới thích nghi điều kiện thời tiết hiện nay, nhưng các thanh niên không muốn áp dụng, chỉ thích trồng theo thói quen, tập quán” - anh Phạm Ngọc Nhàn, Bí thư Đoàn Khoa Phát triển nông thôn chia sẻ.

Theo anh Đỗ Ngọc Quới, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền, hiện nay, hạn chế trong vận động ĐVTN ứng phó BĐKH là chưa có nhiều mô hình kinh tế để ĐVTN học tập, việc tuyên truyền chưa hiệu quả… Để giúp ĐVTN ổn định đời sống, Ban Thường vụ Huyện đoàn vận động ĐVTN chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao: sầu riêng, cam, vú sữa… Hiện xã Tân Thới có Tổ hợp tác trồng màu chuyển sang trồng cây lâu năm nhưng vẫn chưa tới thời gian thu hoạch. Anh Đỗ Ngọc Quới cho biết: “Thời gian tới, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện, Hội Liên hiệp Thanh niên TP Cần Thơ định hướng về lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện gia đình, thổ nhưỡng”. Trong khi đó, anh Phạm Ngọc Nhàn chia sẻ: “Đoàn khoa sẽ tổ chức định kỳ hoạt động tuyên truyền về BĐKH cho sinh viên; trong đó, chú trọng các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức gắn với thực tế”.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết