21/07/2015 - 10:06

Không thể xem thường thiếu máu, thiếu sắt

Thiếu máu, thiếu sắt ảnh hưởng sự phát triển thể lực và năng lực học tập ở trẻ em, năng suất lao động ở người lớn. Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến Thạc sĩ, bác sĩ Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Qua đó, mọi người có thể hiểu rõ hơn cách phòng, chống căn bệnh này.

Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho hồng cầu có màu đỏ, có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình tạo máu. Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt, có thể kết hợp với thiếu folate (vitamin B9), nhất là thời kỳ có thai. Hiện nay, thiếu máu, thiếu sắt là một trong những bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng hàng đầu. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu máu là vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Các điều tra dịch tễ học ở Việt Nam từ những năm 1995 đến nay cho thấy, tỷ lệ thiếu máu cao ở phụ nữ không có thai, phụ nữ có thai và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi. Cuộc điều tra thiếu máu dinh dưỡng năm 2008 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu giảm song vẫn còn phổ biến; gần 27% phụ nữ không có thai, gần 37% phụ nữ có thai, 45% trẻ dưới 2 tuổi và trên 29% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu và xác định nguyên nhân chính tình trạng thiếu máu là do thiếu sắt.

Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ truyền thông phòng, chống thiếu máu. Ảnh: H.H

Thiếu máu dinh dưỡng làm giảm khả năng lao động do người thiếu máu thường dễ mệt mỏi, năng suất lao động thấp. Thiếu máu làm ảnh hưởng năng lực, trí tuệ do các biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, kém chú ý, dễ bị kích thích. Thiếu máu cũng làm trẻ kém phát triển thể chất và trí tuệ. Kết quả học tập của học sinh thiếu máu thấp hơn hẳn so với học sinh bình thường và chỉ khắc phục sau khi các em uống viên sắt. Ngoài ra, thiếu máu, thiếu sắt còn ảnh hưởng phát triển hành vi của trẻ. Phụ nữ có thai bị thiếu máu hay bị tai biến khi sinh, sinh non, sinh con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết gây nguy hiểm tính mạng cũng như tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở mẹ, con. Vì vậy, thiếu máu dinh dưỡng thời kỳ thai nghén là đe dọa sản khoa. Bên cạnh đó, thiếu máu làm giảm sức đề kháng cơ thể và phát triển thể lực. Vì thế, bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu, thiếu sắt làm tăng tốc độ phát triển chiều cao, cân nặng.

Đối tượng có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt gồm: phụ nữ tuổi sinh đẻ, nhất là khi mang thai, sau sinh và cho con bú; trẻ có cân nặng sơ sinh thấp hoặc không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ ở tuổi vị thành niên (nhất là trẻ em gái); người bị nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun móc; người suy dinh dưỡng và người già; người sống trong vùng kinh tế khó khăn, khu công nghiệp, vùng không triển khai chương trình phòng, chống thiếu máu. Dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt thường lặng lẽ. Người bị thiếu máu có thể không tự nhận ra mình có bệnh. Biểu hiện thiếu máu nhẹ là mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung. Đối với trẻ em, biểu hiện thiếu máu là nhận thức chậm, trí nhớ kém hay ngủ gật. Khi bị thiếu máu nặng có thể xuất hiện các triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, móng tay giòn, lạnh tay và chân. Khi khám, da xanh, niêm mạc mắt, lợi lợt, móng tay khum hình thìa, đầu lưỡi có những hạt sắc tố đỏ sẫm, lòng bàn tay nhợt nhạt. Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng trên thường là thiếu máu rất nặng. Để chẩn đoán thiếu máu, xét nghiệm thường dùng là định lượng huyết sắc tố và đây cũng là xét nghiệm để điều tra sàng lọc ở cộng đồng. Tuy nhiên, để tìm hiểu nguyên nhân thiếu máu cần làm thêm các xét nghiệm khác.

Cơ thể có nguồn dự trữ sắt ở một số cơ quan như gan, lá lách. Khi khẩu phần ăn không cung cấp đủ sắt, cơ thể sẽ huy động nguồn dự trữ này cho các chức năng quan trọng. Thiếu máu biểu hiện khi nguồn dự trữ sắt cơ thể bị cạn kiệt. Tuy nhiên, các ảnh hưởng thiếu sắt tới tăng trưởng và phát triển diễn ra thời gian dài kể từ khi bị thiếu sắt, trong khi bệnh chỉ phát hiện khi bị thiếu máu; vì thế chú ý phòng bệnh này rất quan trọng. Có nhiều cách khác nhau để phòng ngừa bệnh thiếu máu, thiếu sắt. Các bạn gái tuổi dậy thì và phụ nữ tuổi sinh sản là những đối tượng dễ bị thiếu sắt do mất máu theo chu kỳ nên uống bổ sung viên sắt mỗi tuần một viên để bù đắp lượng sắt bị mất. Có thể uống chung viên sắt với vitamin C, nước cam để cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt. Mỗi người cần ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu sắt như: các loại thịt đỏ, sò, ốc, cá ngừ, cá trích, đậu xanh, đậu đỏ...; tăng cường sắt vào thực phẩm qua nước mắm, xì dầu, hạt nêm, bánh tây (quy), ngũ cốc, bột dinh dưỡng... và sử dụng các thực phẩm này là cách đơn giản và hiệu quả để cung cấp sắt cho nhu cầu cơ thể hằng ngày. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ; dự phòng (tẩy giun định kỳ 4-6 tháng/lần) và điều trị bệnh liên quan thiếu sắt (nhiễm giun) là các giải pháp quan trọng để phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt.

ĐOÀN LÝ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết