04/02/2018 - 09:51

Không thể thắng! 

 Tờ New York Times đã dùng từ như vậy để nói về cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia ở Afghanistan. Theo báo này, sau gần 17 năm đánh nhau với Taliban, các chuyên gia giờ đây thôi không hỏi nữa về một chiến thắng sẽ như thế nào, mà thay vào đó là bắt đầu xem xét khả năng thất bại.

Đám tang một nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng tại Kabul ngày 27-1. Ảnh: EPA

Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 tại Mỹ làm gần 3.000 người chết mà tổ chức khủng bố Al Qaeda là thủ phạm, Washington đã lập tức phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Taliban, bị cho là dung túng Al Qaeda cùng thủ lĩnh của nó là Osama bin Laden, và sa lầy ở đó cho đến nay. Đây là cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia, dài hơn cả Thế chiến thứ nhất (1914-1918), Thế chiến thứ hai (1939-1945) và Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) gộp lại. Tổng cộng Mỹ đã đổ hàng trăm tỉ USD vào cuộc chiến không có hồi kết này và hàng ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng tại quốc gia Nam Á.

Thế nhưng hiện Taliban vẫn ngang nhiên hoạt động ở Afghanistan. Theo điều tra riêng của hãng tin Anh BBC, Taliban hiện kiểm soát hoàn toàn 4% lãnh thổ Afghanistan và hoạt động công khai tại 66% lãnh thổ khác, trong khi chính phủ do Mỹ hậu thuẫn chỉ kiểm soát tương đối hoàn toàn 30% lãnh thổ. Con số do Lầu Năm Góc đưa ra có khác nhưng phần lãnh thổ nằm trong tay chính quyền Kabul cũng chỉ vào khoảng 50%. Hôm 27-1 vừa qua, Taliban đã thực hiện vụ đánh bom khủng bố ngay tại thủ đô khiến ít nhất 103 người chết và 230 người bị thương.

Tuy nhiên, theo bà Laurel Miller, người vừa rời ghế Quyền đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan và Pakistan, rất ít chuyên gia nghĩ rằng Washington sẽ thay đổi chiến lược. Theo bà, chiến lược hiện nay của Mỹ là “ngăn chặn sự thất bại của Chính phủ Afghanistan và ngăn chặn chiến thắng quân sự của Taliban” càng lâu càng tốt. “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ nhà phân tích nghiêm túc nào lại tin rằng cuộc chiến này là có thể thắng”, nhân vật hiện làm việc cho tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận RAND Corporation nói thêm.

Khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng đầu năm ngoái, Mỹ có 8.400 binh sĩ ở Afghanistan. Con số này đã tăng dần lên 15.000 nếu tính luôn 1.000 binh sĩ sẽ được triển khai trước tháng 4 tới. Việc tăng quân nằm trong cam kết đánh bại chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, con số đó không thấm tháp gì so với lúc cao điểm vào năm 2010 khi có hơn 100.000 lính Mỹ hiện diện tại Afghanistan.

Ngoài ra, Không quân Mỹ hồi tuần rồi cũng đã triển khai 12 chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt cùng trực thăng tìm kiếm cứu hộ và máy bay không người lái đến hỗ trợ từ trên không cho lực lượng Mỹ và Afghanistan.

Điều đáng nói là hiệu quả của “cách tiếp cận mới” của Lầu Năm Góc lại bị chính tướng lĩnh cao cấp Mỹ nghi ngờ. Trung tướng Kenneth McKenzie, Trưởng ban tham mưu liên quân, mới đây nói rằng việc binh sĩ Mỹ tiến sát tới chiến tuyến để cố vấn cho lực lượng an ninh sở tại trong các cuộc không kích sẽ khiến họ có nguy cơ thương vong lớn hơn.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết