05/08/2012 - 20:06

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Không thể nói chung chung

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 nhằm đánh giá lại tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tháng 7 và triển khai các công tác trọng tâm trong tháng 8-2012. Tại cuộc họp này, vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy sản xuất kinh doanh tiếp tục được lãnh đạo thành phố và các sở ngành hữu quan và địa phương đặc biệt quan tâm.

Sản xuất có dấu hiệu giảm

Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Dù Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh việc hạ lãi suất tiền vay và có chương trình cho vay vốn ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước nhưng hiện DN còn khó tiếp cận được các chương trình này do gặp phải tình trạng sản xuất không ổn định, doanh số xuất khẩu hàng giảm, bị nợ quá hạn... Trong khi đó, việc xuất khẩu và tiêu thụ nhiều mặt hàng như: xi măng, sắt thép, thủy sản, lúa gạo... gặp khó do giá và nhu cầu giảm khiến lượng hàng tồn kho tăng. Tuy nhiên, DN không thể đem hàng tồn kho để thế chấp vay vốn nên càng gặp khó khăn về vốn. Nhiều DN, nhất là DN thủy sản đang buộc phải hoạt động cầm chừng và giảm việc thu mua nguyên liệu...”. Ông Trần Thanh Cần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Dù các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt để các sở, ngành và địa phương thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho DN, nhưng kết quả mang lại chưa như mong đợi. DN vẫn còn gặp khó!”.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tháng 7-2012, tình hình lưu chuyển hàng hóa tại thị trường thành phố ổn định, hàng hóa dồi dào. Trong khi đó, với việc Trung tâm Thương mại Big C khai trương đi vào hoạt động tại thành phố đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. 7 tháng đầu năm 2012, ước tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 58.148 tỉ đồng, đạt 62% kế hoạch và tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt hơn 31.332 tỉ đồng, đạt 63,4% kế hoạch, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của thành phố còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhu cầu nhập khẩu của các nước không cao. Tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 96 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 93,15 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu ước thực hiện 682,3 triệu USD, đạt 45,5% kế hoạch, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 661,17 triệu USD, đạt 45,3% kế hoạch, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: gạo giảm 21,1% về sản lượng và giảm 21% về giá trị; thủy sản đông lạnh giảm 1,1%; thủ công mỹ nghệ giảm 0,9%; giày dép các loại giảm 19%; hàng dệt may giảm 22,9%. Không chỉ vậy, nhập khẩu của thành phố cũng đang bị giảm mạnh. Đây là một tín hiệu không tốt cho phát triển sản xuất vì các loại hàng hóa nhập khẩu tại thành phố thời gian qua chủ yếu là các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 172 triệu USD, chỉ đạt 29,7% kế hoạch và giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tại thành phố tuy tiếp tục có sự phát triển, song tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm so với trước đây. 7 tháng đầu năm 2012, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) ước thực hiện hơn 13.000 tỉ đồng, đạt 49,3% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu giảm. Trong tháng 7-2012, tổng đàn gia súc, gia cầm tại thành phố có xu hướng giảm từ 2-5% so với tháng trước do người dân giảm nuôi vì giá sản phẩm đầu ra thấp. Diện tích nuôi thủy sản đến tháng 7-2012 được 3.959 ha, đạt 26,8% kế hoạch, giảm 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Không thể nói chung chung

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND TP Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng: Tháng 8-2012 và các tháng còn lại của năm 2012, bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, cơ cấu lại thời gian trả nợ đối với khách hàng vay theo quy định. Tăng khả năng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước, trong đó tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa để kích thích sản xuất phát triển. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục triển khai các chương trình đưa hàng Việt về bán ở khu dân cư, khu công nghiệp, các chợ truyền thống nông thôn. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, nhấn mạnh: Các sở ngành hữu quan và địa phương không chỉ nói chung chung mà phải có hành động cụ thể trong hỗ trợ, gỡ khó cho các DN trên địa bàn thành phố. Trong đó, cần rà soát và thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về giảm giãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm...

Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, qua khảo sát thực tế, nhiều DN trên địa bàn thành phố đang gặp khó về đầu ra sản phẩm. Do vậy, tới đây Sở Công thương thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành có liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho DN, khuyến khích các DN đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi bán hàng nhằm giảm lượng hàng tồn kho. Trong đó, tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, thị trường có tiềm năng và chú trọng nhiều đến thị trường nội địa, thị trường nông thôn. Sở Công thương thành phố cũng sẽ hỗ trợ DN tiếp cận các chương trình hỗ trợ về vốn, giảm giãn thuế của Nhà nước; đồng thời đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và thực hiện tiết kiệm năng lượng cũng như giảm các chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Lãi suất cho vay dành cho 4 đối tượng được ưu tiên hiện đã được các ngân hàng áp dụng ở mức tối đa 13%/năm. Các đối tượng cho vay khác cũng được nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố áp dụng lãi suất cho vay ở mức tối đa 15%/năm. Đối với các khoản nợ cũ, các ngân hàng thương mại hiện đã chủ động cùng khách vay rà soát lại khả năng trả nợ, cơ cấu thời gian trả nợ. Trên cơ sở khả năng tài chính, nhiều ngân hàng hiện đã thực hiện việc giảm lãi suất còn tối đa 15%/năm”. Theo ông Hà Hồng Ngọc, để hỗ trợ các DN tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp, bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng thực hiện các quy định của Nhà nước về việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ sẽ tăng cường các hoạt động “kết nối” giữa các ngân hàng thương mại và DN thông qua việc tổ chức hội nghị kết nối, đối thoại giữa DN và ngân hàng...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết