12/04/2007 - 18:28

Không thể “đùa dai”

Đầu tháng 4, tin từ Ủy ban Tôm Việt Nam, cho biết trong tháng 3-2007 phía Nhật lại phát hiện thêm ba doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất hàng sang có dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol và AOZ (dẫn xuất của Nitrofuran) - những chất cấm trong thực phẩm theo qui định của nước họ. Theo đó, tôm và mực của Công ty Seajoco Việt Nam bị phát hiện có dư lượng chloramphenicol, tôm nuôi chiên đông lạnh của Công ty Út Xi có dư lượng AOZ và sản phẩm tôm trong lô hàng thực phẩm của Công ty Agrex Saigon có dư lượng chloramphenicol. Như vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng đầu năm 2007, phía Nhật đã phát hiện sản phẩm mực và tôm, chủ yếu là tôm của 23 lượt công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam có dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol và AOZ. Trong số này có 9 lượt công ty ở ĐBSCL, chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Ủy ban Tôm Vasep bày tỏ lo lắng: “Việc này làm cho vấn đề trở nên hết sức nghiêm trọng trong khi chúng ta vừa mới cải thiện tình hình kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu đi Nhật, chuẩn bị cho các hoạt động xuất khẩu trong năm 2007. Trường hợp phía Nhật phát hiện AOZ hoặc chloramphenicol trong các lô hàng tiếp theo, chắc chắn việc xuất khẩu tôm vào nước này sẽ hết sức khó khăn thậm chí có thể mất thị trường” .

Có thể nói, sự cảnh giác của Nhật đối với mặt hàng tôm của Việt Nam bắt đầu từ ngày 25-10 năm ngoái, khi cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của họ yêu cầu kiểm tra 100% lô tôm xuất xứ từ Việt Nam. Khi ấy, phía Nhật cũng đã có cảnh báo nếu số lượng vi phạm tiếp tục gia tăng sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản Việt Nam, đặc biệt là đối với tôm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng nhận thấy: việc kiểm tra nghiêm ngặt sẽ làm cho mặt hàng tôm của Việt Nam giảm sức cạnh tranh (chịu thêm các chi phí lưu hàng kho bãi, giao hàng chậm…); đồng thời làm giảm uy tín của tôm Việt Nam tại thị trường Nhật. Cũng cần nói thêm rằng, sản phẩm tôm được xác định là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, chiếm gần 50% trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản. Còn Nhật là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam (chiếm 25,3% tổng cơ cấu thị trường xuất khẩu và chiếm trên 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thị sản), đặc biệt là sản phẩm tôm. Chính vì thế, từ cuối năm 2006 Vasep, Bộ Thủy sản… đã ra hàng loạt văn bản, thông báo yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản xuất khẩu. Đặc biệt, đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định Số 05/TTg-NN về vấn đề này để nhanh chóng chấm dứt tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị các thị trường nhập khẩu phát hiện dư lượng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, giữ uy tín hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Và Mới đây, đầu tháng 3 năm 2007, Vasep lại có công văn gởi Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Theo Vasep, Nhật bắt đầu tiến hành tăng cường kiểm tra chỉ tiêu AOZ đối với tôm của Việt Nam và Indonesia. Vasep đề nghị Bộ Thủy sản chỉ thị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong sử dụng kháng sinh cấm trong sản xuất thủy sản; tăng cường kiểm tra nguồn thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y và các loại hóa chất xử lý ao nuôi cũng như hóa chất trị bệnh tôm đang lưu hành trên thị trường đảm bảo không có kháng sinh cấm… Tuy nhiên, cảnh báo từ Vasep, từ Bộ thủy sản và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa được nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đưa sản phẩm vào thị trường Nhật vẫn tiếp tục bị phát hiện dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol và AOZ.

Mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa tại thị trường Nhật. Những thiệt hại, những nguy cơ… đều đã được cảnh báo. Như vậy, trách nhiệm thuộc về ai khi thiệt thòi trước tiên vẫn là người nuôi tôm Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng?! Và trên hết, thiệt thòi lớn cho nền kinh tế của đất nước. Câu trả lời cần được làm rõ, trước hết từ người nuôi tôm, doanh nghệp chế biến và tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này

Hà Triều

Chia sẻ bài viết