20/11/2016 - 09:09

Không thể đánh giá tác phẩm nghệ thuật bằng cách "like"

Đó là câu trả lời của hầu hết văn nghệ sĩ, người dân mà chúng tôi khảo sát với câu hỏi: "Anh/chị nghĩ gì về việc các cuộc thi văn học, nghệ thuật chấm điểm bằng cách "đếm like"?".

- Cuộc thi đó không chính đáng, không công bằng. Tôi không tham gia những cuộc thi "đếm like" để trao giải như thế. Đơn vị tổ chức họ có lợi khi được hàng ngàn, hàng vạn người quảng cáo không công. Việc đạt mức like cao không phải nhờ tác phẩm đẹp và hay mà nhờ mối quan hệ. Tôi ví dụ như tôi là giáo viên, có rất nhiều học trò, khi tôi nhờ thì đương nhiên học trò sẽ "like" giùm thầy. Nhưng ai lại đi làm điều đó! Theo tôi, người tham gia những cuộc thi này mất nhiều hơn được. Đó là bất đồng quan điểm về nghệ thuật giữa đồng nghiệp, mất lòng khi làm phiền người khác "like" giùm…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tùng (Cần Thơ)

- Số lượt "like" trên mạng xã hội Facebook về các bài viết văn học như thơ, văn, bút ký ở các cuộc thi viết trên mạng internet chỉ nên được xem là dấu hiệu để nhận biết tác phẩm đó được chú ý. Nghĩa là tác phẩm đó nhận được sự tương tác, đón nhận của độc giả; nhưng không thể xem đó là những điểm số để xếp hạng, không thể khái quát chất lượng tác phẩm thông qua chỉ số like. Việc thẩm định tác phẩm văn học nghệ thuật cần có những tác giả nhiều kinh nghiệm, kiến thức rộng để đánh giá từ hình thức thể hiện, văn phong, đến nội dung, chủ đề tác phẩm. Không quá lời khi nói rằng, đem tác phẩm của mình để "câu like" khác nào "đem con bỏ chợ".

Nhà thơ Phan Duy - đại biểu Cần Thơ tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc 2016

- Tôi cũng thường theo dõi các cuộc thi văn học, nghệ thuật trên các trang mạng xã hội. Thường thì tác phẩm nào gây sốc, phá cách được chú ý. Vậy thì tiêu chuẩn nghệ thuật của những cuộc thi "câu like" đó ở đâu. Không nên nhìn nhận những cuộc thi đó là cuộc thi nghệ thuật đúng nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ái (quận Ninh Kiều)

Huỳnh Mai (thực hiện)

Chia sẻ bài viết