11/10/2017 - 21:41

Không quân Mỹ “khủng hoảng” nhân lực 

Theo đánh giá của Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein, quân chủng này đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến năng lực bảo vệ quốc gia nếu vấn đề này không sớm được giải quyết ổn thỏa.

Tình trạng thiếu phi công đang làm “đau đầu” giới chức Mỹ. Ảnh: Business Insider 

Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 9, Tướng Goldfein xác nhận quân số Không quân Mỹ có gia tăng trong năm tài khóa 2016. Nhưng tính đến tháng 4 năm nay, quân chủng này vẫn còn thiếu 1.500 phi công trong tổng số 20.300 phi công cần thiết đáp ứng nhu cầu an ninh.

Lĩnh vực thiếu nhiều nhất là phi công chiến đấu với gần 1.000 người. Ước tính trong 4 năm nữa, Không quân Mỹ thiếu hụt thêm khoảng 1.600 phi công. “Chúng tôi đang trong tình trạng khủng hoảng. Nếu không tìm cách giải quyết, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ an ninh quốc gia” – Tướng Goldfein cảnh báo.

Theo vị tướng Mỹ, tình trạng thiếu phi công không phải vấn đề mới phát sinh. Trong ấn bản gần đây, tạp chí quân sự Aviation Week cho biết sự gia tăng cạnh tranh từ các hãng tư nhân khiến Không quân Mỹ khó giữ chân các phi công kinh nghiệm.

Hơn nữa, những khó khăn từ cắt giảm ngân sách và thời gian nhiệm vụ quá dài là nguyên nhân chính khiến quân chủng này không thể đào tạo đủ nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi về nhiệm vụ an ninh.

Cụ thể sau gần 20 năm liên tục thực hiện nhiệm vụ quân sự, Không quân Mỹ đang đối mặt “trái đắng” thiếu phi công huấn luyện do quá tập trung duy trì lực lượng có kinh nghiệm trong vai trò chiến đấu.

Chính việc thiếu giảng viên đã tạo ra “nút thắt cổ chai” trong quá trình đào tạo thế hệ kế thừa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng nhiệm vụ mà còn dẫn đến sự thất vọng trong các phi công, từ đó không thể ngăn họ bỏ việc và đầu quân cho các hãng hàng không với mức lương cao hơn.

Trước áp lực quân số, Không quân Mỹ tuy chưa thực sự nới lỏng yêu cầu tiêu chuẩn đối với phi công, nhưng đã mở rộng tuyển dụng tổng thể cũng như linh hoạt trong huấn luyện và thực hành.

Ngoài ra, theo tờ Aviation Week, các quan chức có thể tính đến giải pháp hút nguồn đào tạo bên ngoài từ các trường đại học hoặc công ty thương mại. Biện pháp này tuy không đáp ứng nhu cầu lực lượng đảm nhiệm vai trò chiến đấu nhưng có thể giải quyết nguồn nhân lực phi chiến đấu.

Hiện tại, Không quân Mỹ cũng đang xem xét ưu đãi về tài chính nhằm tăng số lượng cũng như giữ chân phi công ở lại trong biên chế. Đây là kế hoạch tăng lương đầu tiên kể từ năm 1999. Đặc biệt, Lầu Năm Góc còn áp dụng chương trình cho phép lớp phi công về hưu nhưng còn đủ sức khỏe tình nguyện trở lại đơn vị để lấp vị trí thiếu.

Ngoài ra, các quan chức đã thảo luận đưa thêm nhân viên hỗ trợ đồng thời hạn chế triển khai nhiệm vụ thời gian quá dài đối với phi công chiến đấu, qua đó giảm áp lực và nâng chất lượng cuộc sống của quân nhân.

 Mỹ điều máy bay ném bom đến bán đảo Triều Tiên

Hai máy bay ném bon chiến lược B-1B Lancer được quân đội Mỹ triển khai từ căn cứ Guam đến bán đảo Triều Tiên hôm 11-10, sau thông tin Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp với giới chức quốc phòng hàng đầu nước này nhằm thảo luận sách lược đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ CHDCND Triều Tiên.

Theo Reuters, máy bay Mỹ được hai chiến đấu cơ F-15K của quân đội Hàn Quốc hộ tống, sau đó tham gia các cuộc tập trận tên lửa không đối đất ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Hàn Quốc và khu vực nằm giữa nước này với Trung Quốc.

Giới chức Hàn Quốc cho biết hoạt động này nằm trong khuôn khổ diễn tập thường niên nhằm củng cố năng lực phòng thủ cũng như mối quan hệ liên minh Mỹ - Hàn. Trong một tuyên bố riêng, quân đội Mỹ cho biết phi đội chiến đấu cơ Nhật Bản cũng tham gia cuộc tập trận. Đây là hoạt động kết hợp đầu tiên giữa oanh tạc cơ của Mỹ và máy bay chiến đấu Nhật-Hàn.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết