05/07/2014 - 21:00

Không phải thắng lợi luôn thuộc về kẻ mạnh!

* LÊ VĂN BƯỜNG
Cựu chiến binh phường An Hòa, quận Ninh Kiều

Đầu tháng 5-2014, Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm sai trái của Trung Quốc đã làm cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam phẫn nộ, dư luận quốc tế phê phán và phản đối. Đảng và Chính phủ ta đã nói rõ quan điểm: bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cũng đã nhiều lần thông báo trong các cuộc họp trên diễn đàn này về việc làm sai trái của Trung Quốc.

Trong tình hình hiện nay, Đảng ta chủ trương đấu tranh bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật quốc tế và tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký. Bởi vì, Việt Nam rất mong muốn Trung Quốc là người bạn láng giềng tốt đúng nghĩa; nhưng những việc Trung Quốc làm trong hơn 2 tháng qua đã đi ngược lại những gì trước đây Trung Quốc đã nói trong tuyên bố chung cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ngày 21-6-2013, tại Hà Nội, giữa Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Về phía mình, khi xảy ra sự việc Việt Nam đã kiềm chế tối đa và đã làm những việc cần làm như nhiều lần chủ động đề nghị đối thoại với các cấp thẩm quyền của Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng đến nay Trung Quốc vẫn không ngưng những hành động sai trái này mà còn vu khống Việt Nam, bất chấp lẽ phải và dư luận thế giới. Với nhân dân và đất nước Việt Nam, tình hình hiện nay đang đặt ra một thách thức lớn.

Thách thức lớn cho cả dân tộc

Bảo vệ và xây dựng đất nước là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai, bởi để giành được độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt trong lịch sử. Trước tình hình bất ổn ở Biển Đông, hiện nay có một số người (tuy không nhiều) muốn dùng vũ lực để giải quyết vấn đề này. Họ cho rằng lịch sử sẽ lặp lại như Bạch Đằng, Đông Đô để cho kẻ cậy gươm bén giáo dài, dân đông đất rộng từ bỏ tham vọng bành trướng. Có người lại cho rằng ta phải làm một Điện Biên Phủ trên biển, v.v… mới giải quyết được vấn đề này. Ngược lại, cũng có người cho rằng làm căng với Trung Quốc là không nên, bởi vì Trung Quốc hiện nay là một cường quốc có tiềm năng lớn về kinh tế, quân sự… Quan trọng hơn là Trung Quốc ở cạnh ta và hiểu biết ta rất rõ. Hai kiểu nhận thức như trên theo tôi là không ổn. Bởi vì khi giải quyết một sự việc, một vấn đề không phải luôn luôn thắng lợi thuộc về kẻ mạnh và lịch sử cũng không phải nhất thiết là lặp lại y như trước.

Hơn nữa, Biển Đông là con đường lưu thông hàng hải quốc tế đã có từ lâu nay. "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc tự biên tự diễn không có cơ sở pháp lý đã chiếm trọng Biển Đông, không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và một số nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng quyền lợi lưu thông hàng hải cả thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có chứng cứ lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Như vậy, ta có đủ điều kiện để đấu tranh bằng con đường hòa bình, không được nôn nóng kích động làm những việc vi phạm pháp luật nhưng cũng không khuất phục bất cứ thế lực nào. Điều này cho thấy, chủ trương đấu tranh bằng phương pháp hòa bình của Đảng và Chính phủ ta trong tình hình hiện nay là đúng đắn nhất.

Việt Nam cần tận dụng tốt các yếu tố

Trước tiên là lòng yêu nước của nhân dân. Từ khi hòa bình lập lại đến nay đã 39 năm nhưng chưa có lần nào lòng yêu nước được khơi dậy và hâm nóng như hiện nay. Hơn hai tháng qua, đi đến đâu, nông thôn hay thành thị, trên xe khách, quán xá, cả các chùa chiền… đều được nghe người dân bàn bạc, trao đổi về vần đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Tuy mỗi người có cách nghĩ và diễn đạt khác nhau, nhưng mọi người đều thấy rõ tham vọng của Trung Quốc, đồng thời lòng yêu nước thúc đẩy mọi người có ý thức tự giác "phải làm gì đó để góp phần bảo vệ quê hương". Điều đó có thể nhìn thấy qua việc một chị thuộc lớp dân nghèo sống bằng gánh thu mua phế liệu mà tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng để ủng hộ quỹ Trường Sa; hay khi Hòa thượng Thích Thanh Dục, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thái Bình đọc thông điệp của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, có hàng trăm tăng ni phật tử tham dự để cầu nguyện cho biển đảo hòa bình và phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc…

Kế đến, cần phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc với phương châm "Dân ta phải biết sử ta". Trước đây, người dân bình thường ít có điều kiện tiếp cận lịch sử biển đảo của đất nước Việt Nam và pháp luật quốc tế. Hiện nay, khắp 63 tỉnh, thành và các bộ, ban, ngành, các cấp đều có các việc làm thiết thực để giúp cho người dân hiểu sâu hơn về lịch sử, luật pháp quốc tế về các vấn đề có liên quan đến biên giới, hải đảo, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa.

Phát huy vai trò của Ngư dân – những chiến sĩ tiền tiêu cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Hiện nay, ngư dân vươn xa bám biển không còn là sinh kế đơn thuần mà còn là làm nhiệm vụ thiêng liêng được toàn dân giao phó và trực tiếp thực hiện lời dạy của Bác Hồ năm xưa "Các vua Hùng đã có công dựng nước bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước". Trước đây, người nông dân vừa đối phó với bộ máy đàn áp của địch và bom đạn, hàng ngày lại phải bám ruộng đồng sản xuất lương thực để nuôi quân với ý thức trường kỳ kháng chiến đã đem lại thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, nếu ngư dân bám biển cũng như trước đây nông dân bám lấy ruộng đồng, dù Trung Quốc có hung hăng ngang ngược đến đâu thì những việc làm trái với lẽ phải và pháp luật ấy cũng sẽ thất bại. Nếu ngư dân làm đúng theo chủ trương của Đảng, được sự thông cảm và giúp đỡ của toàn dân, tôi tin chắc thắng lợi năm xưa sẽ lặp lại là điều tất yếu.

Một điều hết sức quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước là Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, thì đã hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhân vật tiêu biểu khắp thế giới; không có một cá nhân, tổ chức nào đồng tình với việc làm của Trung Quốc. Ngược lại bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau, dư luận đều ủng hộ Việt Nam, thấy được Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, đều đồng tình với chủ trương của ta là giải quyết bằng hình thức hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế. Đặc biệt, qua việc này khối ASEAN càng thắt chặt đoàn kết và thống nhất hành động ủng hộ Việt Nam, giữ gìn hòa bình Biển Đông.

Cách đây 60 năm, trong khi thực hiện Hiệp định Genève 1954, có một số Đảng viên cán bộ và quần chúng rất bức xúc vì ta nghiêm túc thực hiện hiệp định, còn địch đàn áp bắt bớ đánh đập dã man. Sau khi học tập đường lối Cách mạng miền Nam, có đoạn viết: "Tình hình hiện nay đang diễn ra phức tạp, là Đảng viên, cán bộ ta phải tuyệt đối tin vào đường lối của Đảng ta rồi sự diễn biến của tình thế sẽ cho phép chúng ta làm…"; nhờ đó đã giải quyết được tư tưởng nóng vội của đảng viên cán bộ trước đây. Và thực vậy, khi có thời cơ thích hợp, ta đã phản công và giành được những thắng lợi quan trọng. Bài học 60 năm trước có thể vận dụng vào tình hình hiện nay. Đó là: Ta có chính nghĩa, được bạn bè thế giới ủng hộ, không nên nôn nóng và cũng không ngần ngại, bi quan, phải tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng, mỗi người ra sức thực hiện một phần việc trong khả năng của mình vì mục tiêu góp sức giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nước nhà. Nhất định thắng lợi sẽ về ta!

* LÊ VĂN BƯỜNG Cựu chiến binh phường An Hòa, quận Ninh Kiều

Chia sẻ bài viết