01/03/2018 - 16:32

Không nên chậm trễ với IPv6 

Chuyển đổi IPv4 (giao thức Internet phiên bản 4) sang IPv6 (giao thức Internet phiên bản 6) đã trở thành xu hướng tất yếu, để giải quyết sự thiếu hụt về địa chỉ của IPv4 và mang đến nhiều tính năng vượt trội.

IPv6 là gì?

IPv6 là phiên bản mới của giao thức Internet, xác định các thiết bị qua Internet để chúng có thể được định vị. Mọi thiết bị sử dụng Internet đều được xác định thông qua địa chỉ IP của chính nó để Internet hoạt động. Nó giống như các địa chỉ đường phố và mã bưu điện bạn cần biết để gởi thư.

Phiên bản trước, IPv4, sử dụng một lược đồ địa chỉ 32-bit, hỗ trợ 4,3 tỉ thiết bị, được cho là đủ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Internet, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và thiết bị IoT cho thấy thế giới cần nhiều địa chỉ IP hơn.

Cách đây 20 năm, IPv6 được tạo ra, sử dụng lược đồ địa chỉ 128-bit, hỗ trợ một số lượng địa chỉ IP vô cùng lớn (bằng 2 lũy thừa 128). Thay vì phương pháp xác định của IPv4 là bốn bộ số, mỗi bộ từ một đến ba chữ số, IPv6 sử dụng tám nhóm gồm bốn chữ số thập lục phân, được phân cách bằng dấu hai chấm.

Hội nghị Tổng kết Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Nguồn: mic.gov.vn

Những lợi ích của IPv6

IPv6 được thiết kế với những tham vọng mục tiêu như sau:

- IPv6 cho không gian địa chỉ lớn hơn và dễ dàng quản lý.

- Địa chỉ IPv6 được thiết kế để tích hợp sẵn tính năng bảo mật trong giao thức nên có thể dễ dàng thực hiện bảo mật từ thiết bị gởi đến thiết bị nhận (khôi phục lại nguyên lý kết nối đầu cuối - đầu cuối của Internet) và loại bỏ hoàn toàn công nghệ NAT (là quá trình thay đổi thông tin địa chỉ IP trong gói tin được truyền qua một thiết bị định tuyến).

- IPv6 cho phép thiết bị IPv6 tự động cấu hình các thông số phục vụ cho việc nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ gateway, địa chỉ máy chủ tên miền khi kết nối vào mạng.

- Cấu trúc định tuyến tốt hơn: Định tuyến IPv6 được thiết kế hoàn toàn phân cấp.

- Hỗ trợ tốt hơn Multicast: Multicast là một tùy chọn của địa chỉ IPv4, tuy nhiên khả năng hỗ trợ và tính phổ dụng chưa cao.

- Hỗ trợ bảo mật tốt hơn: IPv4 được thiết kế tại thời điểm chỉ có các mạng nhỏ, biết rõ nhau kết nối với nhau. Do vậy bảo mật chưa phải là một vấn đề được quan tâm. Song hiện nay, bảo mật mạng Internet trở thành một vấn đề rất lớn, là mối quan tâm hàng đầu.

- Hỗ trợ tốt hơn cho di động: Thời điểm IPv4 được thiết kế, chưa tồn tại khái niệm về thiết bị IP di động. Trong thế hệ mạng mới, dạng thiết bị này ngày càng phát triển, đòi hỏi cấu trúc giao thức Internet có sự hỗ trợ tốt hơn.

Tình hình ứng dụng IPv6 tại Việt Nam

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan - nguồn APNIC) với khoảng 4.000.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco Lab).

Tổng lưu lượng truy vấn IPv6 đo kiểm trên hệ thống DNS quốc gia từ 1/1/2017 – 20/12/2017 là hơn 46 tỉ lượt, chiếm 25% tổng truy vấn tên miền, tăng trưởng 5,5% so với số liệu cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo thống kê, Việt Nam có khoảng 4.000 website tên miền .VN hoạt động với IPv6. Với năm ngoái, con số này chỉ dừng lại ở mức khoảng 100 website.

Mặc dù Việt Nam đứng thứ 5 khu vực châu Á về triển khai sử dụng IPv6, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu. Thống kê từ Google cho thấy, ứng dụng IPv6 toàn cầu đạt đến 23%, riêng ở Mỹ lên đến 32%. Tốc độ triển khai trên toàn cầu tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi năm. Như vậy, số người dùng IPv6 dự đoán sẽ vượt 50% trên toàn thế giới vào năm 2019 và đây cũng là thời điểm mà mức độ sử dụng IPv4 bắt đầu suy giảm. Với tốc độ này, ước tính tới năm 2020, tỷ lệ truy cập IPv6 toàn cầu qua Google sẽ đạt gần như 100%.

Theo các chuyên gia, IPv6 không chỉ giải quyết vấn đề về địa chỉ và bảo mật mà những dịch vụ liên quan tới 4G, 5G, công nghệ mạng và khả năng giao tiếp với các thiết bị công nghệ mới... IPv6 cũng tốt hơn. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai nhanh và mạnh hơn nữa để theo kịp xu hướng chung của thế giới. 

HOÀNG THY
(Theo Network World, VNNIC, Mic.gov.vn)

Chia sẻ bài viết