13/11/2016 - 17:32

Vụ đông xuân 2016-2017:

Không lo “sốt” giá phân bón

Nông dân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017 với nhiều nỗi lo về chi phí sản xuất sẽ tăng cao do tác động bởi các yếu tố thời tiết, thủy văn bất lợi. Tuy nhiên, nông dân cũng gặp thuận lợi khi giá nhiều loại phân bón đang giảm thấp so với cùng kỳ năm trước.

* Giá giảm

Nguồn phân bón dồi dào tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất đang bắt đầu tăng do nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất đông xuân. Tuy nhiên, gần đây giá nhiều loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức thấp do nguồn hàng dồi dào và có sự tranh về giá của nhiều thương hiệu phân bón trong và ngoài nước. Anh Phạm Công Chí, ngụ ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay, nước lũ về nhiều hơn so với năm trước nên hy vọng đồng ruộng được bồi lắng một lượng phù sa đáng kể, giúp lúa trúng mùa và đỡ tốn chi phí đầu tư. Đáng mừng là hiện giá nhiều loại phân bón cho cây lúa khá thấp so với cùng kỳ. Vừa qua, tôi mua phân Urê chỉ ở mức 280.000 đồng/bao, DAP 465.000 đồng/bao". Theo ông Nguyễn Văn Quận ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, năm nay lũ về muộn, thời điểm bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân có mưa nhiều nên nông dân phải tốn nhiều chi phí cho bơm tát nước để gieo sạ lúa. Nhưng mừng là giá nhiều loại phân bón đang giảm thấp, giúp nông dân có thể giảm được phần nào chi phí vật tư đầu vào. Hy vọng của nhiều nông dân, khi vào cao điểm vụ sản xuất, giá các loại phân bón vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thấp như hiện tại.

Năm nay, lũ cao hơn năm rồi nhưng do vòng quay đất sản xuất tăng, nên để đạt năng suất cao, dự kiến mỗi công ruộng phải bón khoảng 50 kg phân bón các loại trở lên. Giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK, kali… hiện giảm ít nhất từ 20.000- 100.000 đồng/bao/50kg so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là các loại phân bón Urê. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ (Việt Nam) chỉ còn 300.000 đồng/bao; Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia có giá 270.000- 290.000 đồng/bao. Giá các loại phân bón Kali (Canada, Israel, Nga, Úc) ở mức 370.000- 406.000 đồng/bao. Phân bón NPK 20-20-15 Thuận Hưng, NPK 20-20-15 Nguồn Sinh Thái, NPK 20-20-15 Việt Quang, NPK 20-20-15 Cò Bay… phổ biến từ 460.000 -620.000 đồng/bao, tùy loại. Trong khi đó, giá nhiều loại phân bón DAP (như DAP Đình Vũ, DAP Mỹ, DAP Trung Quốc…) đang ở mức 450.000-600.000 đồng/bao.

Giá các loại phân bón đang ở mức thấp do nguồn cung dồi dào, nhất là khi năng lực sản xuất các loại phân bón Urê của các nhà máy trong nước đã được tăng cường, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Trong khi đó, các loại phân bón nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng về chủng loại và nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới, với giá cả rất cạnh tranh do nguồn cung phân bón tại nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng vượt cầu. Ngoài ra, gần đây nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thị trường tăng chậm do nhiều địa phương vùng ĐBSCL mới bắt đầu bước vào vụ gieo sạ lúa đông xuân 2016-2017. Với tình hình nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại phân bón được dự đoán sẽ tiếp tục bình ổn trong thời gian tới.

* Nguồn cung dồi dào

Theo nhiều chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, cách đây hơn 1 tháng, các cửa hàng đã chuẩn bị một lượng phân bón rất dồi dào với giá cả đầu vào tương đối thấp để phục vụ cho nhu cầu người dân trong vụ sản xuất đông xuân. Trong ngắn hạn tới đây, giá bán lẻ các loại phân bón trên thị trường rất khó tăng do nhiều cửa hàng bán lẻ có điều kiện ổn định giá bán để "giữ chân" khách hàng. Đặc biệt trong điều kiện thị trường, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu phân bón cũng như các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mới, nên các cửa hàng phải có chính sách giá tốt nhất để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho rằng: "Không lo phân bón thiếu hàng, tăng giá trong vụ sản xuất này. Bởi ngay từ khá sớm, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh đã chuẩn bị một lượng hàng rất dồi dào. Mặt khác, các tác động của thiên tai, thời biết bất lợi và hạn mặn xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua, buộc nhiều nơi phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng làm giảm diện tích trồng trọt khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm". Giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và phân bón nhập khẩu vào nước ta còn có điều kiện giảm giá do thuế xuất nhập khẩu giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do nước ta ký với nhiều đối tác và quốc gia trên thế giới. Theo ông Bảo Thọ, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huyên Thọ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, gần đây nhiều loại phân bón phải chịu áp lực giảm giá do cung có dấu hiệu vượt cầu và thị trường có nhiều cạnh tranh, nhất là sự cạnh tranh bởi các loại phân bón nhập khẩu. Nhiều khả năng cho thấy, giá một số loại phân bón có thể nhích lên khi bước vào cao điểm vụ sản xuất đông xuân nhưng mức tăng không nhiều do nguồn cung dồi dào và ai cũng muốn ổn định giá để bán được hàng.

Hiện nay, cạnh tranh trên thị trường phân bón rất khốc liệt. Thông qua việc liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các mô hình "cánh đồng lớn", có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vật tư đầu vào cho các hộ dân, bán sản phẩm đến cuối vụ mới thu tiền. Để bán được hàng, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng phải chủ động được nguồn phân bón có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Điều này đã góp phần tích cực trong ổn định thị trường phân bón. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng cần phải tích cực vào cuộc để ổn định giá cả và thị trường phân bón, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng… lợi dụng nhu cầu tiêu thụ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân đang tăng cao để "trà trộn" vào thị trường.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết