17/12/2017 - 15:43

Không đâu bằng nhà mình! 

Đó là thông điệp mà tác giả Trần Hồng Giang gửi gắm qua tiểu thuyết “Mẹ ơi, con nhớ nhà” (NXB Phụ nữ). Câu chuyện không chỉ kể về hành trình thất lạc của một cậu bé mà còn phản ánh cuộc sống xã hội với những hỉ, nộ, ái, ố… mà trong đó bật lên tình người ấm áp.

Câu chuyện được mở đầu bằng một bi kịch, khi một cơn bão ập đến một làng chài nghèo, cướp đi một phần tư những người đàn ông đi biển, trong đó có cha của Khánh. Mất đi người trụ cột, Mẹ Khánh phải bươn chải đủ việc để nuôi 2 con nhỏ. Trong một lần giận mẹ, tủi hổ vì xóm giềng, bạn bè cười chê việc làm sai trái của mẹ, Khánh bỏ nhà ra đi. Dòng đời xô đẩy, cậu bé lạc bước đến Hà Nội và bắt đầu chuỗi ngày lang thang nơi đầu đường xó chợ, bị bắt nạt, xua đuổi, coi thường... Cậu làm đủ việc để sống qua ngày, từ chăm sóc người bệnh đến làm chân chạy vặt ở chợ. Chỉ đến khi may mắn được một gia đình cưu mang, Khánh mới  không phải vất vưởng. Nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và ân hận vì mình đã bỏ học đi bụi luôn khiến cậu trăn trở không yên…

Với văn phong gần gũi, bình dị, tác giả đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật Khánh, đưa người đọc nhìn đời qua ánh mắt ngây thơ, non nớt của một cậu bé 10 tuổi. Từ đó, mạch truyện được triển khai khéo léo, tự nhiên; các tình huống được xử lý phù hợp với tâm tư và cách ứng xử của một đứa trẻ. Đó là điểm mạnh của tiểu thuyết gần 300 trang này.

Những tháng ngày sống lang thang, lưu lạc giúp cậu bé trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn và biết trân quý cuộc sống bên gia đình, người thân. Bởi không chỉ khi vất vả, khổ sở mà ngay cả khi sống yên ấm với một gia đình tử tế, cậu cũng không nguôi nhớ về mẹ, bà và em gái. Cậu nhận ra rằng, nơi đâu cũng không bằng nhà mình!

Tác phẩm không chỉ dành cho thiếu nhi mà với người lớn, khiến ta phải nhìn lại mình, cẩn trọng với những hành động, việc làm, lời nói để tránh những tác động xấu đến trẻ em, như người mẹ của Khánh, cô Nguyệt giúp việc, ông Toản, chú Phong, mẹ con bà chủ nhà độc ác… Ngược lại, những nghĩa cử tốt đẹp, lòng nhân hậu của người lớn sẽ tác động tích cực đến suy nghĩ, lối sống của thế hệ trẻ.

Tác giả cũng dụng công phác họa muôn mặt cuộc đời trong hành trình lưu lạc của nhân vật chính. Ở đó, có những số phận, cuộc đời khác nhau và sự đối lập song hành thiện - ác hiện hữu suốt chiều dài tác phẩm, qua những nhân vật cụ thể, làm câu chuyện thêm sinh động, cuốn hút. Trong đó, vẫn ánh lên những nét đẹp tình người, những nghĩa cữ đáng trân trọng. Như một nhóm những nông dân lên thành phố làm cửu vạn (ai thuê gì làm nấy), tuy cuộc sống rất khó khăn nhưng vẫn sẵn lòng cưu mang Khánh một thời gian. Hay cô Nguyệt, bà Nhung, chú Định…, những người đã giúp Khánh có được nơi ăn chốn ở tử tế, tìm lại được gia đình.

Kết thúc có hậu của câu chuyện làm ấm lòng người đọc, đồng thời truyền tải thông điệp nhân văn: Cuộc sống vẫn luôn có những điều tốt đẹp, chỉ cần cố gắng, không buông xuôi, số phận sẽ mỉm cười với bạn!

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết