13/11/2018 - 21:21

Vụ các cơ sở tên lửa ngầm của Triều Tiên

Không có gì mới? 

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ hôm 12-11 tiết lộ đã phát hiện ít nhất 13 trong tổng số 20 cơ sở tên lửa ngầm “chưa được biết tới” đang hoạt động bên trong lãnh thổ Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh đây là thách thức cho các nhà đàm phán Mỹ vốn đang hy vọng sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tuyên bố thông tin trên “không có gì mới” và Triều Tiên cũng chưa bao giờ cam kết đóng cửa cơ sở tên lửa của mình.

Căn cứ tên lửa Sakkanmol của Triều Tiên. Ảnh: CSIS

Theo CSIS, các địa điểm thử tên lửa được phân bố rải rác ở các khu vực xa xôi, đồi núi, thung lũng nhỏ hẹp trên khắp lãnh thổ Triều Tiên và có thể được sử dụng để bố trí các tên lửa đạn đạo với các tầm bắn khác nhau, xa nhất được cho là vươn tới bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ. Các địa điểm này còn có thể được sử dụng để triển khai các bệ phóng tên lửa di động rất khó bị phát hiện và ngăn chặn trước khi khai hỏa. Trong số các cơ sở tên lửa bí mật, các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến Căn cứ Tác chiến Tên lửa Sakkanmol, địa điểm thử tên lửa gần với biên giới Hàn Quốc và cách Thủ đô Seoul 84 dặm. Báo cáo cho biết tại thời điểm tháng 11-2018, Sakkanmol “vẫn đang hoạt động và được bảo trì khá tốt theo tiêu chuẩn của Triều Tiên”. Báo cáo cho rằng căn cứ này có thể chứa một lữ đoàn tên lửa với 18 bệ phóng di động.

Mọi tên lửa đều có thể mang đầu đạn hạt nhân   

Thời báo New York bình luận rằng các cơ sở tên lửa ngầm của Triều Tiên “cho thấy một sự dối trá ghê gớm”. Đây là tờ báo đầu tiên đưa tin về báo cáo của CSIS. Trả lời tờ báo này, ông Joseph Bermudez, đồng tác giả của báo cáo, khẳng định: “Mọi tên lửa (của Triều Tiên) ở các cơ sở này đều có thể mang đầu đạn hạt nhân”. 

Tuy nhiên, báo cáo của CSIS cũng để lại nghi vấn khi các tác giả sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại, phỏng vấn những người Triều Tiên đào tẩu. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 13-11 ra tuyên bố thông tin về các căn cứ tên lửa “chưa được biết tới” của Triều Tiên “không có gì mới”, bởi các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc trước đây đã có thông tin liên quan đến các cơ sở này. Người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom nhấn mạnh các quan chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã có trong tay những thông tin chi tiết hơn từ các vệ tinh quân sự và đang phối hợp giám sát chặt chẽ. Ông nêu rõ, nguồn để phân tích căn cứ Sakkanmol đề cập trong báo cáo trên là lấy từ vệ tinh thương mại và khẳng định các cơ sở này không liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).

Tiến trình đàm phán Mỹ-Triều khó đến đích

Ông Kim Eui-kyeom chỉ trích bình luận cho rằng các cơ sở tên lửa ngầm của Triều Tiên là sự “dối trá”, bởi Bình Nhưỡng không có bất cứ thỏa thuận nào phải công khai hay đóng cửa căn cứ tên lửa nào. Triều Tiên thậm chí đưa đàm phán với quốc gia nào về cơ sở tên lửa. Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore tháng 6 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ nhất trí đóng cửa vĩnh viễn bãi thử tên lửa Sohae, gần biên giới với Trung Quốc, cũng như đóng cửa tổ hợp hạt nhân tại Yongbyon, đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp để đưa bán đảo Triều Tiên thành vùng đất không có vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Eui-kyeom cho rằng sự tồn tại của các căn cứ tên lửa bí mật cho thấy sự cần thiết phải tiến hành đàm phán với Bình Nhưỡng nhằm xóa bỏ các mối đe dọa quân sự. Các chuyên gia của CSIS cũng cho rằng việc xác định năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân nào trong tương lai. Có điều, Triều Tiên mới đây đã hủy cuộc đàm phán đã ấn định trước với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại New York khi tuyên bố họ “chưa sẵn sàng”. Các phương tiện truyền thông Triều Tiên hôm 12-11 còn cáo buộc Mỹ-Hàn vi phạm thỏa thuận làm giảm căng thẳng báo đảo Triều Tiên khi thông báo nối lại các cuộc  tập trận quân sự quy mô nhỏ. Trước đó, Triều Tiên dọa sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân nếu Mỹ không nới lỏng chính sách cấm vận. Tuy nhiên, Mỹ đã  vài lần ngăn cản các đề xuất miền trừ trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong việc cung cấp máy kéo và phụ tùng cũng như viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết