23/02/2018 - 18:53

Không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh 

Từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) giảm so với cùng kỳ, nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

* Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh và dự báo từ đây đến cuối năm?

- Trong những ngày Tết (từ 14-2 đến 20-2), tình hình tương đối ổn, không xảy ra dịch cúm A (H5N1), chỉ phát hiện 5 ca SXH và 6 ca TCM.

Cộng dồn từ ngày 1-1-2018 đến 21-2-2018 có 62 ca SXH (cùng kỳ năm trước 114 ca), 47 ca TCM (cùng kỳ năm trước 67 ca). Như vậy, bệnh SXH và TCM đều có xu hướng giảm. Riêng bệnh thủy đậu có xu hướng tăng, ghi nhận có 8 ca, trong khi cùng kỳ năm 2017 không có; có 1 ca phát ban nghi sởi.

Qua theo dõi từ đầu năm 2018 đến nay, dự báo tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên không được chủ quan, lơ là vì thời tiết diễn biến bất thường, tuýp vi rút thay đổi là những yếu tố thuận lợi để dịch bệnh tăng. Thêm vào đó, đây cũng chưa phải là thời gian cao điểm của bệnh SXH và TCM.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc (bên trái) trao đổi với cán bộ y tế, chính quyền địa phương về tình hình SXH ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc (bên trái) trao đổi với cán bộ y tế, chính quyền địa phương về tình hình SXH ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

* Hệ thống y tế dự phòng của thành phố triển khai các công tác thế nào để chủ động phòng, chống 2 căn bệnh này, thưa bác sĩ ?

- Hệ thống y tế dự phòng từ thành phố đến các trạm y tế tiếp tục tăng cường giám sát ca bệnh. Hiện nay, tất cả các trạm y tế đều vẽ được đường cong chuẩn dự báo dịch bệnh. Hằng tháng đều vẽ và gởi cho Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ để chúng tôi giám sát, khi phát hiện có xu hướng tăng, nhanh chóng "bao vây" đánh sớm để hạn chế dịch lây lan và bùng phát.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng chỉ đạo tuyến dưới "điểm danh" những khu vực vệ sinh môi trường kém, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh để tham mưu với chính quyền địa phương giải quyết. Biện pháp này, chúng tôi đã đẩy mạnh trong năm 2017 ở một số điểm nóng môi trường ở quận Bình Thủy, quận Ninh Kiều... Qua đó, tình hình dịch bệnh ở những khu vực này giảm đáng kể.

Năm nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp BV Nhi đồng Cần Thơ, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe để tập huấn về giám sát xử lý ca bệnh, cập nhật điều trị và tuyền thông ở cộng đồng cho cán bộ y tế cơ sở.

* Đối tượng mắc bệnh SXH, TCM, thủy đậu... chủ yếu ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Như vậy, công tác phòng các bệnh này trong trường học được thực hiện thế nào?

- Nhiều năm qua, ngành y tế phối hợp ngành tuyên giáo, giáo dục kiểm tra công tác y tế trường học ở các trường. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác phòng chống dịch bệnh. Năm học này, ở học kỳ I, cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đề nghị, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, chủ yếu tập trung các trường ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình. Ngoài ra, trong các đợt sinh hoạt chính trị hè, ngành y tế đều cử cán bộ y tế để tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường.

Ở các trường quan trọng nhất là đầu giờ khi nhận các cháu vào, cô giáo xem cháu có bị bệnh không để yêu cầu phụ huynh đón về, tránh lây lan bệnh cho các cháu khác.

* Quy định xử lý dịch bệnh trong trường học như thế nào, thưa bác sĩ ?

-  Cũng như ở cộng đồng, khi trường học phát hiện 2 ca bệnh hoặc 1 ca bệnh nặng trong vòng một tuần thì tính là ổ dịch. Khi đó, y tế địa phương và nhà trường phải tuyên truyền, vệ sinh môi trường, phun thuốc 2 lần trong bán kính 200m (đối với bệnh SXH). Riêng bệnh TCM thì lau, rửa dụng cụ, bàn, ghế, sàn nhà... bằng cloramin B. Các trường công lập và ngoài công lập liên hệ với các trạm y tế nhận cloramin B miễn phí.

Qua giám sát xử lý ổ dịch ở địa phương cũng còn tình trạng bỏ sót, địa phương chỉ xử lý ở cộng đồng (tại nơi ca bệnh sinh sống) mà quên nơi các cháu học.

* Với kinh nghiệm của mình, xin bác sĩ cho biết, các bà mẹ có con nhỏ cần làm gì để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ?

- Với bệnh có vắc-xin bảo vệ thì nên tiêm ngừa. Nhưng nên tiêm ngừa trước mùa dịch. Người dân thường có tâm lý nghe bệnh mới tiêm, khi đó vắc-xin chưa phát huy được tác dụng bảo vệ hoặc cơ thể đã tiếp xúc với mầm bệnh trước đó. Thông thường sau khi tiêm từ 2-4 tuần mới tạo kháng thể bảo vệ.

Ngoài ra, chú trọng dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh. Khi trẻ mắc bệnh, đưa trẻ đi khám sớm để điều trị kịp thời.

* Xin bác sĩ cho biết, bài học rút ra từ những ca tử vong TCM, SXH?

- Hiện nay, bệnh SXH, TCM chưa có vắc-xin bảo vệ. Khi mắc bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, nên chẳng may trẻ nhiễm chủng vi rút có độc lực cao thì rất nguy hiểm. Nguyên nhân nữa là gia đình chưa theo dõi sát, chủ quan, đưa trẻ đến BV trễ. Ngoài ra, nhiều gia đình chưa có niềm tin với y tế cơ sở, xin chuyển viện lên tuyến trên hoặc lén trốn lên tuyến trên. Nếu chuyển viện trong tình trạng bệnh nhi mệt, sốc thì bệnh nặng hơn, rất nguy hiểm tính mạng. Vì thế, gia đình nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chuyển viện, cần chuyển bằng xe của BV, có nhân viên y tế, thuốc, dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo an toàn trên đường chuyển viện.

* Xin cảm ơn bác sĩ !         

             H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết