08/11/2018 - 08:46

Không chỉ là “ưu tiên”… 

Sau 9 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng ưu tiên lựa chọn và tin dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này được minh chứng ở tỷ lệ hiện diện hàng Việt tại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống ngày càng tăng. Người tiêu dùng dần quay lưng với những sản phẩm hàng hóa nhập ngoại rẻ tiền, chất lượng kém thay vào đó là sự lựa chọn hàng Việt với chất lượng đảm bảo, giá phải chăng. 

Doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới, nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ mới có thể chinh phục được người tiêu dùng trong nước  (Trong ảnh: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh-Bidrico mời khách hàng dùng thử sản phẩm mới).

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian gần đây làm dấy lên những lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc lấy lợi thế cạnh tranh là giá rẻ thì nay hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cạnh tranh hơn hẳn về giá cả, chất lượng, mẫu mã. Và câu hỏi được đặt ra: Liệu hàng Việt có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác trong tương lai khi mà cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở? Theo nhận định của các chuyên gia, một khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi, hàng ngoại tràn vào Việt Nam với ưu đãi lớn về thuế (thuế bằng 0%) sẽ tạo sức ép lớn lên hàng nội. Trong tình huống này, nếu các doanh nghiệp trong nước vẫn “giậm chân tại chỗ” không có sự cải tiến, đổi mới để phát triển thì việc “thua ngay trên sân nhà” sẽ là điều khó tránh khỏi. 

Trước đây, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng kém, rẻ tiền nên chúng ta dễ dàng đánh bại, chỉ cần đạt chất lượng tốt, giá phải chăng. Còn thời điểm này đã là một câu chuyện khác. Hàng hóa nhập từ các nước đều đạt được, thậm chí vượt trội về các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, giá cả nên cách làm của chúng ta phải có sự thay đổi... Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Doanh nghiệp giờ đây phải sản xuất ra hàng hóa sao cho “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” chứ không đơn thuần là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như trước đây nữa! Để tăng cường sức cạnh tranh cho hàng Việt đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, chế độ hậu mãi… Đây là những điều kiện tiên quyết để sản phẩm Việt chiếm được lòng tin và tạo được uy tín lớn đối với người tiêu dùng trong nước”.

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết