24/04/2013 - 21:56

Hàng Việt về nông thôn

Không chỉ là giới thiệu sản phẩm hay bán hàng

Phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” lần thứ 100 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình 4 năm chinh phục thị trường nông thôn của các doanh nghiệp Việt...

Phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” lần thứ 100 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh Nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức thành công, đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình 4 năm chinh phục thị trường nông thôn của các doanh nghiệp tham gia.

Theo Ban tổ chức chương trình đưa Hàng Việt về nông thôn, thời gian qua, chuỗi phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đã đạt mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Các phiên chợ còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm, giúp cho người dân tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Qua các phiên chợ, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn. Từ đó, doanh nghiệp điều chỉnh phương thức kinh doanh, sản xuất những mặt hàng mà người dân nông thôn thật sự cần. Đồng thời, tổ chức kênh phân phối hàng phù hợp với nhu cầu thị trường nông thôn. Ngoài ra, chuỗi phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” còn thể hiện được sự nỗ lực của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong việc tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Ông Ông Văn Tràng, Phó Giám đốc, Công ty TNHH SX-TM Vĩnh Thuận, cho rằng: Chương trình “Hàng việt về nông thôn” đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp tham gia. Phiên chợ không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận và quảng bá sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước nhận diện thị trường, nắm bắt thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn. Song song đó, chương trình còn hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối đến từng địa phương. Theo ông Ông Văn Tràng, chuỗi phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” chính là một cơ hội để doanh nghiệp cải thiện và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp gắn bó với chương trình lâu dài trong hành trình chinh phục thị trường nông thôn, doanh nghiệp phải chủ động đặt ra mục tiêu chiến lược, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu hay bán hàng mà còn tăng cường hoạt động tiếp nhận thông tin phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp lựa chọn phương thức sản xuất, tạo nguồn hàng phong phú, đưa những sản phẩm phù hợp với “gu” của người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn.

Chị Lưu Kim Anh, Quản lý nhãn hàng Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex, cho biết: Hiệu quả của chương trình Hàng Việt về nông thôn giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động sản xuất và kinh doanh, nâng cao doanh số bán hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối. Thời gian qua, Cholimex đã tham gia đồng hành, xuyên suốt chuỗi phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Đến nay, sản phẩm của Cholimex được bao phủ trên diện rộng tại thị trường nông thôn. Xác định thị trường nông thôn còn nhiều “đất” để doanh nghiệp mở rộng cơ hội phát triển. Do đó, ngoài duy trì và nâng cao uy tín sản phẩm của doanh nghiệp tại các phiên chợ hàng Việt, Cholimex sẽ tiếp tục cải tiến, có chính sách hỗ trợ đại lý trưng bày, giới thiệu sản phẩm và cải tiến sản phẩm, đầu tư cách trưng bày gian hàng cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn. Đồng thời, tạo ra “cầu nối” giữa doanh nghiệp với tiểu thương và người tiêu dùng tại các địa phương thông qua chương trình “Tư vấn hướng đến tiêu dùng, bổ dưỡng…” tại các phiên chợ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm của Cholimex. Đây được xem là mục tiêu mang tính chiến lược xuyên suốt trong hành trình chinh phục người tiêu dùng nông thôn, giúp doanh nghiệp thành công trong việc mở rộng mạng lưới phân phối về vùng nông thôn đầy tiềm năng.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, cho biết: Khi tham gia chương trình hàng Việt về nông thôn, Minh Long Hưng có điều kiện khai thác tốt thị phần nông thôn, khảo sát thực tế, tìm hiểu và trao đổi trực tiếp thông tin sản phẩm với đại lý và người tiêu dùng nông thôn. Qua đó, Minh Long Hưng tổ chức và định hướng phù hợp trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, Minh Long Hưng có thị phần khá tốt tại địa bàn nông thôn, sau mỗi phiên chợ Minh Long Hưng mở được từ 1-3 đại lý tại các địa phương. Đặc biệt, doanh số năm 2012 cao gấp 3 lần so với năm 2011. Từ đây, có thể khẳng định, chương trình đã mang lại hiệu quả “ấn tượng” không chỉ giúp doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng mà còn giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật, hàng giả… góp phần xây dựng niềm tin và văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam cho người tiêu dùng nông thôn. Ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh, Công ty Cổ phần Nhôm-Nhựa Kim Hằng, cho biết: Doanh nghiệp là một trong những đơn vị được Bộ Công thương trao tặng bằng khen doanh nghiệp bền bỉ và tận tụy đồng hành cùng chương trình hàng Việt về nông thôn. Đây chính là một vinh dự lớn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ vững thương hiệu, nâng cao uy tín và nỗ lực hơn trong hành trình chinh phục người tiêu dùng tại thị trường nông thôn. Đồng thời, chương trình cũng góp phần tạo sự động viên và quan tâm của Nhà nước nhằm khích lệ cho các doanh nghiệp tiếp tục hành trình chinh phục người tiêu dùng nông thôn. Đặc biệt, trong hành trình 4 năm, chương trình đã tạo sự tương tác trực tiếp giữa nhãn hàng Kim Hằng với người tiêu dùng. Trong đó, hiệu quả cao nhất mà chương trình mang đến là xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để nâng cao uy tín bản thân doanh nghiệp cần tổ chức tốt hoạt động phân phối, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, cam kết chất lượng, hướng dẫn địa chỉ mua hàng và giải quyết sự cố về hàng hóa cho khách hàng.

Theo Ban tổ chức chương trình đưa Hàng Việt về nông thôn, thời gian qua, chuỗi phiên chợ đưa Hàng Việt về nông thôn đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được thị phần nông thôn. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp kiên trì trong việc phát triển mạng lưới phân phối trên các khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và khảo sát thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Để hàng Việt được bám rễ sâu và bền chắc hơn với thị trường nông thôn, Ban tổ chức chương trình hàng Việt về nông thôn đã và đang tiến hành dự án khởi công “Nâng cấp thương mại chợ huyện” nhằm tạo thêm một bước tiến trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt thâm nhập và xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt từ một huyện “điểm” mà lan tỏa ra toàn tỉnh và vươn xa hơn…

Bài, ảnh: M.Hoa

 

Chia sẻ bài viết