27/09/2018 - 13:38

Khơi thông thị trường nội địa...

Gạo, thủy sản và trái cây là 3 sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Nếu trái cây được tiêu thụ khá mạnh tại thị trường nội địa thì thủy sản và gạo chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Gạo Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại có thói quen mua gạo không có thương hiệu, bao bì. Sản phẩm thủy sản Việt Nam chinh phục được các khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Tuy nhiên, thực tế cho thấy người tiêu dùng trong nước vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống nên sản phẩm thủy sản đông lạnh tại thị trường nội địa còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, gạo bắt đầu nhìn nhận lại và có sự chuyển hướng chinh phục thị trường trong nước. Song, việc khai thác tiềm năng thị trường với hơn 96 triệu dân cũng được nhận định không phải là chuyện dễ dàng.

Trước hết, phải nói đến chuỗi giá trị nông sản nội địa hiện nay có đặc điểm chung là chuỗi dài, nhiều tầng nấc trung gian; chưa được tổ chức và quản lý tập trung, dẫn đến việc trao đổi thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng trở nên khó khăn. Mặt khác, khâu quản lý Nhà nước về lĩnh vực chế biến gạo, thủy sản cho thị trường nội địa còn nhiều bất cập. Điển hình là việc tiếp cận, vận dụng các chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư: vốn, đất đai, lao động, đào tạo…vào thực tế rất khó khăn. Đó là chưa kể công tác quản lý, giám sát còn chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế. Cùng với đó, chi phí sản xuất, vận chuyển, bảo quản, quảng bá cao làm giá thành sản phẩm tăng cao, dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà…

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết, các bộ ngành hữu quan và địa phương cần khơi thông các điều kiện cơ bản để phát triển thị trường trong nước như: hệ thống kho bãi, hậu cần, kho lạnh; liên kết xây dựng hệ thống phân phối nội địa cho phân khúc thị trường bình dân, trung lưu, cao cấp; các dịch vụ công, tín dụng, bảo hiểm, thanh toán hiện đại dọc chuỗi cung ứng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản chủ lực; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường...

Các doanh nghiệp cần chú ý đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó, Nhà nước và doanh nghiệp cần có chương trình truyền thông để thay đổi tư duy và thói quen của người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn, đảm bảo cân đối cung - cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi… Một khi các giải pháp này được thực hiện đồng bộ thì mới có thể tạo được sức mạnh tổng thể để các sản phẩm nông sản chủ lực của ĐBSCL khẳng định vị thế ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết