12/08/2018 - 06:35

Khơi thông nguồn lực

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố, đến ngày 20-7-2018 đạt trên 1.775/5.652 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 31,4%. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 48,1%; vốn ODA 8,7%; nguồn Trung ương hỗ trợ 65%; nguồn trái phiếu Chính phủ 14,9%; nguồn kết dư ngân sách các năm trước 91,9%; tạm ứng quỹ dự trữ tài chính 100%, Chính phủ vay về cho vay lại 1,4%. Cấp thành phố quản lý giải ngân đạt 24,8%; Cấp quận huyện giải ngân đạt 53,2%. Trong 7 tháng đầu năm, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 823 doanh nghiệp (DN) các loại hình, tổng vốn đăng ký 3.990 tỉ đồng; so với cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 11,8% và số vốn tăng 28,3%... Đây là những nỗ lực rất lớn của thành phố trong huy động các nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội.

Thành phố cũng đang nỗ lực xây dựng chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, DN đến thành phố để cụ thể hóa Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Cần Thơ của Chính phủ vừa mới ban hành. Nghị định 103 là nền tảng quan trọng cho Cần Thơ trong tiến trình xây dựng đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Theo đó, về huy động vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, TP Cần Thơ được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức huy động theo quy định của pháp luật, vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại. Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng cho ĐBSCL… Với những cơ chế đặc thù theo quy định của Nghị định 103 của Chính phủ dành cho Cần Thơ, thành phố sẽ có đủ các nguồn lực tập trung cho các dự án mang tính chất vùng, liên vùng. Bởi để trở thành trung tâm động lực ĐBSCL, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư rất lớn từ bên ngoài, do nội lực của thành phố chưa đủ mạnh để gánh vác sứ mệnh này.

Theo nhận định của các chuyên gia, TP Cần Thơ hiện có đủ tiềm lực để phát triển trở thành trung tâm vùng ĐBSCL, bởi xét về tiềm năng và vị thế, thành phố hội đủ điều kiện này. Vấn đề còn lại là nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự quyết tâm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, để tạo ra cơ chế thông thoáng, minh bạch hướng tâm cho mục tiêu phát triển Cần Thơ trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thành phố đáng sống. Nhiều ý kiến cũng nhận định, với cơ chế đặc thù của Chính phủ vừa ban hành đã khơi thông nguồn lực và là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa mới cho Cần Thơ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết