12/11/2018 - 07:56

Khơi nguồn sáng tạo 

Từ năm 2014, TP Cần Thơ phê duyệt Dự án “Tổ chức chương trình đào tạo giảng viên để nhân rộng hoạt động bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ĐBSCL” do Quỹ Bảo vệ môi trường toàn cầu Nhật Bản tài trợ (còn gọi là Dự án WINDY). Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông qua việc đào tạo giảng viên và ứng dụng WINDY trong giảng dạy các môn học liên quan đến môi trường tại các trường phổ thông và trung học cơ sở tại TP Cần Thơ. Đến nay, qua hơn 4 năm thực hiện chương trình, WINDY không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, mà còn là sân chơi sáng tạo dành cho các em.


Sản phẩm từ gỗ của học sinh Trường THCS Hưng Phú. 

Đến các lớp học của Trường THCS Hưng Phú, quận Cái Răng, sẽ thấy một góc sáng tạo của các em học sinh - gọi là góc WINDY. Tại đây, trưng bày những sản phẩm được các em học sinh tạo ra từ những vật liệu xung quanh cuộc sống hằng ngày như: nắp chai, chai nhựa, ống hút, gỗ vụn, giấy, vải… Những vật liệu tưởng chừng chỉ sử dụng một lần rồi bỏ đi, nhưng qua sáng tạo của các em trở thành vật dụng có ích khác trong cuộc sống. Em Đỗ Nguyễn Quế Tâm, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Hưng Phú, chia sẻ: “Từ chương trình WINDY em đã dùng chai nhựa để làm chậu trồng hoa sau đó quấn bên ngoài lớp vỏ xe để hạn chế chai bị giòn bể. Em thấy chương trình này rất hay, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải và khuyến khích các bạn tận dụng những vật liệu xung quanh để làm đồ trang trí”. Còn em Huỳnh Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 6A5, Trường THCS Hưng Phú, có nhiều sản phẩm trưng bày tại góc WINDY của lớp, hào hứng kể : “Từ lúc trường phát động thực hiện chương trình WINDY, em đã làm 3-4 sản phẩm. Em rất thích làm vật dụng từ tái sử dụng phế liệu”.

Không chỉ tại các lớp học mà trong khuôn viên của Trường THCS Hưng Phú đều có những sản phẩm mang dáng dấp của chương trình WINDY, như các chậu hoa trang trí được sử dụng từ vỏ xe, sắt vụn… Nếu như năm 2017, tại trường chỉ có khoảng 50 học sinh và 10 giáo viên tham gia chương trình, thì năm 2018, nhận thấy hiệu quả của WINDY, Ban giám hiệu nhà trường đã nhân rộng chương trình này. Thầy Huỳnh Văn Tây – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Phú, cho biết: “Từ những phế phẩm, vật liệu bỏ đi, các em học sinh tận dụng lại để làm nên vật dụng trang trí, phục vụ học tập. Từ hiệu quả đó, nhà trường đã nhân rộng chương trình này bằng phương pháp 1+1, tức là từ 10 giáo viên thành 20 giáo viên và 50 học sinh thành 100 học sinh tham gia. Năm học 2018-2019 này, cơ bản các giáo viên và học sinh trong trường đã tiếp cận với dự án”.

Một điểm trường khác cũng có nhiều sản phẩm được tạo ra từ chương trình WINDY, đó là Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng. Cũng từ những phế phẩm bỏ đi như nắp chai, giấy..., các em đã tạo nên bộ sản phẩm đẹp mắt để trang trí tại trường và ở nhà như: hộp đựng viết, bình hoa, kệ, giỏ xách, tranh…Và những sản phẩm này đã có mặt và đạt thành tích cao tại các Hội thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng TP cần Thơ những năm gần đây, như: bộ sản phẩm từ giấy đạt giải Nhất và bộ sản phẩm từ nút chai đạt giải Nhì năm 2018. Thầy Đặng Tiểu Bình, Tổng phụ trách Trường THCS Lê Bình, nói thêm: “Ban đầu đội WINDY được thành lập làm mẫu, với các thành viên chủ yếu trong Ban Chỉ huy liên đội, từ đội mẫu này các em kêu gọi các bạn cùng tham gia để tạo ra nhiều sản phẩm tái sử dụng phế liệu. giảm bớt lượng rác thải, ví như giấy nháp sau mỗi kỳ thi.”   

Năm 2017, Sở  Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ đã tổ chức 12 lớp tập huấn với 348 công chức, viên chức và 900 học sinh trung học thuộc 30 trường được chọn tham gia dự án. Đến nay, tổng số trường trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện Dự án WINDY là 41 trường với 418 công chức, viên chức và hơn 1.200 học sinh. Theo kế hoạch, năm 2019, Dự án sẽ mở rộng đến 100% số trường trung học. Khi dự án này nhân rộng sẽ phát huy tích cực sự sáng tạo của học sinh. Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, giáo viên môn Địa lý Trường THCS Hưng Phú, Điều phối viên WINDY, đề xuất thêm: “Hiện nay, để khuyến khích những sản phẩm đẹp mà các em tạo ra, nhà trường thưởng tượng trưng 5 quyển tập. Nếu có kinh phí, sẽ hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các em, kích thích sự sáng tạo nhiều hơn”.

Sự sáng tạo của các em học sinh là không giới hạn, điều này chứng tỏ qua các sản phẩm tại các kỳ thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP Cần Thơ hàng năm. Tuy nhiên, vừa sáng tạo vừa bảo vệ môi trường là mục tiêu mà Dự án WINDY hướng tới. Hành động tuy nhỏ nhưng thiết thực và ý nghĩa.

MAI THẢO

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cần ThơWINDY