17/10/2011 - 21:05

ÔNG PHAN THÀNH TIẾN, GIÁM ĐỐC CẢNG CẦN THƠ:

Khơi luồng cho tàu lớn vào sông Hậu

Theo “Chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020” nước ta phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và việc quy hoạch hệ thống cảng biển ở khu vực ĐBSCL cũng nằm trong chiến lược phát triển chung này. Tuy nhiên, mức đầu tư cho Nhóm cảng biển ở ĐBSCL (Nhóm 6) vẫn chưa đồng bộ và chưa tạo “đòn bẩy” thực sự trong thúc đẩy giao thương hàng hóa cho vùng ĐBSCL với quốc tế. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ xung quanh việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng tại Cần Thơ.

* Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu là trở ngại lớn nhất nhiều năm qua của ĐBSCL. Thưa ông, để phát huy hiệu quả của hệ thống cảng khu vực Cần Thơ cần giải quyết vấn đề gì?

-ĐBSCL có địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày, thuận lợi cho giao thông thủy vào bậc nhất ở nước ta. Từ tiềm năng và vị trí quan trọng của vùng ĐBSCL, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ trên nhiều mặt nhằm thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh vốn có thì những kết quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL mới chỉ là bước đầu, còn nhiều hạn chế, nổi bật là các vấn đề về giao thông, thủy lợi, giáo dục... chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Về mạng lưới giao thông, mặc dù hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy vùng ĐBSCL đã và đang được cải tạo nâng cấp song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế cho khu vực. Đặc biệt luồng Định An cho các loại tàu có trọng tải lớn ra vào làm hàng thường xuyên bị bồi lắng, độ sâu không ổn định nên khoảng trên 70% lượng hàng hóa của ĐBSCL nhiều năm qua phải vận chuyển đến các cảng TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu với chi phí vận tải tăng cao, giảm lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, các hệ thống cảng của vùng ĐBSCL đang hoạt động dưới công suất thiết kế. Đây là tổn thất lớn cho các doanh nghiệp khi lượng hàng hóa xuất khẩu phải thông qua cảng ở TP Hồ Chí Minh, mà còn tác động lớn đến việc phát huy hiệu quả của các bến cảng trong khu vực.

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cần Thơ. Ảnh: Đ.C.T

Theo Quyết định 2190/QĐ-TTg (ngày 24-12-2009) của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” bao gồm 6 nhóm cảng biển, trong đó nhóm cảng biển ở ĐBSCL thuộc Nhóm số 6. Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công Dự án đào kênh tắt kênh Quan Chánh Bố, tạo luồng mới ổn định thay thế cho cửa Định An, để mở cửa khu vực ĐBSCL vươn ra biển lớn, xây dựng luồng tàu biển cho tàu có trọng tải từ 10.000- 20.000 DWT ra vào an toàn các cảng trên sông Hậu. Theo tính toán, nếu thuận lợi thì cũng phải mất khoảng 3-5 năm nữa cửa biển mới này mới đưa vào sử dụng. Vì vậy, trong thời gian này, cần mời nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực thực sự để tham gia nạo vét một cách căn cơ cho luồng Định An (theo hình thức BOT), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL giải quyết được bài toán giảm chi phí, hạ giá thành. Đồng thời, thúc đẩy các cảng trên sông Hậu phát triển kinh doanh, đưa hàng hóa của vùng ĐBSCL đi xa hơn.

* Theo qui hoạch, Cần Thơ là khu vực trung tâm của nhóm cảng biển ĐBSCL. Như vậy, hệ thống cảng khu vực Cần Thơ đóng vai trò như thế nào trong thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, thưa ông?

-Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) năm 2011 vừa tổ chức ở TPHCM trung tuần tháng 9-2011, cùng với Quyết định số 2190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1746/QĐ-BGTVT (ngày 3-8-2011) về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (Nhóm 6) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nếu thực hiện đúng quy hoạch, hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL từng bước hoàn thiện; trong đó giải quyết rốt ráo tuyến luồng cho tàu biển có trọng tải lớn ra vào sông Hậu ổn định được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Như vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước có cơ hội đầu tư, kinh doanh tại ĐBSCL với chi phí cạnh tranh. Nhóm cảng biển của khu vực sẽ có điều kiện tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 - 20.000 DWT và tiềm năng sẽ tiếp nhận tàu biển có trọng tải trên 100.000 DWT khu vực ngoài khơi cửa sông Hậu, thổi luồng gió mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Người lao động có việc làm, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thêm vào đó, khi hoàn thành Dự án đào kênh tắt kênh Quan Chánh Bố sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng cụm Cảng Cần Thơ thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng, đẩy mạnh giao thương và lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực. Khi tuyến luồng Định An và tuyến kênh mới được đưa vào khai thác đồng bộ, hàng hóa xuất trực tiếp tại cảng khu vực Cần Thơ, ước tính sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng hóa đến năm 2020 là trên 300 triệu USD.

* Xin cảm ơn ông!

ĐỖ CHÍ THIỆN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết