29/11/2018 - 09:39

Khối FDI chiếm ưu thế, lo nội lực khối nội 

Năm 2017, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu. Khu vực FDI xuất siêu gần 26 tỉ USD, trong khi khối DN trong nước nhập siêu khoảng 23 tỉ USD năm 2017. Dòng vốn FDI đang dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, tín hiệu tích cực, nhưng cũng đáng lo ngại cho DN nội vì áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ chương trình giao lưu kết nối thương mại Việt Nam- Nhật Bản, đầu tháng 11-2018 ảnh: M.Huyền

Nổi trội về xuất khẩu

Theo cáo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng năm 2018 của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 16,5 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Khối ngoại chiếm giữ vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu, khi chiếm gần 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đạt 160,3 tỉ USD (kể cả dầu thô), tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 130,1 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,1 tỉ USD không kể dầu thô.

Tính đến 20-11-2018, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam, với 27.068 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 337,81 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 188,8 tỉ USD, bằng 55,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ chương trình giao lưu kết nối thương mại Việt Nam- Nhật Bản, đầu tháng 11-2018 ảnh: M.Huyền

Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là 3 quốc gia dẫn đầu về vốn FDI đầu tư tại Việt Nam, lần lượt là hơn 62,2 tỉ USD, 56,49 tỉ USD và trên 46,25 tỉ USD. Nếu xét các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tốp 10 về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam thì có thêm: Đài Loan (Trung Quốc), British Virgin Islands, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Hà Lan. Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 11 với 892 dự án, vốn đăng ký đầu tư trên 9,32 tỉ USD. Vốn FDI đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 44,9 tỉ USD, kế tiếp là Hà Nội với 33 tỉ USD, Bình Dương với 31,4 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước năm 2001, khối DN nội chiếm tới 79% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khối FDI chỉ chiếm 21%. Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực từ năm 2001 đến thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), kim ngạch xuất khẩu của khối DN nội chiếm khoảng 63% tổng kim ngạch cả nước và liên tục giảm dần cho đến nay. Đặc biệt là các FTA thế hệ mới được ký kết sau này cũng đã tác động mạnh, làm cán cân xuất nhập khẩu nghiêng hẳn về khối ngoại.

Trong gần 30 năm mở cửa hội nhập, đón vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động và thúc đẩy hợp tác, thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Song, đây cũng là nỗi lo khi sự cạnh tranh đối với DN nội cũng trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó, DN trong nước chủ yếu làm gia công sản phẩm cho các DN khối ngoại; trong khi việc chuyển giao công nghệ của DN FDI tại Việt Nam rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh này, nếu DN nội không chuyển động và chính sách đòn bẩy của Trung ương không đủ mạnh, DN nội sẽ tụt hậu ngày càng xa hơn.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chính sách thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng và sẽ có khả năng ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới. Việc Hoa Kỳ áp thuế với DN Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Song, chúng ta cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, tránh ảnh hưởng đến DN Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và cả các DN của Việt Nam.

Lãnh đạo TP Cần Thơ và đại sứ Nhật Bản, cùng doanh nghiệp Nhật tại lễ công bố KCN Việt Nam- Nhật Bản ngày 3-11-2018 ảnh: M. Huyền

Trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,78 tỉ USD; có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,4 tỉ USD và 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,6 tỉ USD. Tính chung trong 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài khoảng 30,8 tỉ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản và bán buôn, bán lẻ là 3 lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn FDI vào Việt Nam tăng, chứng tỏ môi trường đầu tư đang ngày càng hấp dẫn; song, không có chọn lọc sẽ có tác động lớn đến môi trường và sức cạnh tranh của khối DN nội về lâu dài. Thực tế là công nghệ mà nhiều DN FDI mang vào Việt Nam chỉ ở mức trung bình, nếu là công nghệ cao thì cũng khó tiếp cận. Đó là chưa nói đến vấn đề DN ngoại lợi dụng khe hở của pháp luật để chuyển giá, trốn thuế...

Trong 5 năm qua, các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của khối ngoại nhắm vào ngành bán lẻ cũng đáng lo ngại, nếu DN FDI thống trị hệ thống bán lẻ, DN nội khó chen chân vào chuỗi của họ và dễ bị loại khỏi cuộc chơi. Mặt khác, nếu dòng vốn ngoại chiếm ưu thế về xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thì việc cân đối vĩ mô sẽ rất áp lực và nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có biến động của thị trường thế giới.

Do vậy, cần tạo thêm động lực cho DN nội lớn mạnh hơn nữa và chọn lọc dự án FDI để phát triển bền vững.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết