09/08/2012 - 20:56

Khởi động thị trường ngư cụ mùa lũ

Người tiêu dùng chọn mua dụng cụ đánh bắt thủy sản tại một cơ sở sản xuất kinh doanh các loại chài, lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Hiện nay, nước son đã đổ về nhiều trên các sông, báo hiệu ĐBSCL sắp bước vào mùa lũ. Theo đó, thị trường dụng cụ phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản mùa lũ cũng bắt đầu khởi động.

Như thường lệ hằng năm, mùa lũ mới được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của các cơ sở sản xuất kinh doanh lưới và các dụng cụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất chài, lưới ở TP Cần Thơ đã không đợi đến lũ mà chủ động sản xuất và chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm. Theo nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chài, lưới ở Làng chài lưới phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thường bước vào giữa tháng 7 âm lịch, sức mua các loại lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản mới tăng mạnh, nhưng ngay từ đầu năm, nhiều cơ sở ở đây đã bắt tay vào sản xuất nhằm đảm bảo nguồn hàng cung cấp quanh năm. Mặt khác, tránh phải mua nguyên liệu sản xuất các loại ngư cụ vào những lúc cao điểm gần mùa đánh bắt với giá cao, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường.

Theo các cơ sở sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản, năm nay, hầu hết các chi phí đầu vào như: giá nguyên vật liệu, nhân công, xăng dầu, điện... đều tăng mạnh. Nhưng do chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ khá sớm nên giá bán các loại ngư cụ phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản tại nhiều cửa hàng ở TP Cần Thơ chỉ tăng nhẹ từ 5-18% so với cùng kỳ năm trước. Cũng như mọi năm, dụng cụ đánh bắt thủy sản trong mùa lũ khá đa dạng, bên cạnh các loại chài, lưới truyền thống sản xuất trong nước thì trên thị trường đang bán khá nhiều lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản nhập từ Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý là các loại lú và dớn (đây là những dụng cụ đánh bắt thủy sản được làm từ các loại lưới rất khít) có thể bắt được cả cá mẹ lẫn cá con nên có tính “hủy diệt” các nguồn lợi thủy sản. Giá lưới mùng tại nhiều cơ sở và cửa hàng kinh doanh ở thành phố đang ở mức 60.000-70.000 đồng/kg; lưới bén từ 70.000-180.000 đồng/tay(cỡ 80-90m); lú khoảng 200.000-380.000 đồng/cái (loại 12m-15m); dớn 100.000- 110.000 đồng/cái (loại 1,4m-1,6m)...

Ông Phạm Phước Hữu, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh các loại chài, lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Sức mua các loại dụng cụ phục vụ đánh bắt thủy sản mùa lũ đã tăng khá so với tháng trước. Tuy nhiên, chủ yếu là các tiểu thương ở các chợ xã đi mua hàng về để chuẩn bị phục vụ cho bà con trong mùa lũ sắp tới”. Ở làng chài lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt hiện có khá nhiều khách hàng đến đây mua chài, lưới và các dụng cụ đánh bắt thủy sản và không chỉ có người dân TP Cần Thơ mà người dân ở các tỉnh lân cận như: An Giang, Kiên Giang... cũng tìm đến mua hàng. Theo ông Phạm Phước Phong, chủ Cơ sở Năm Tấn- chuyên sản xuất kinh doanh các loại chài, lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản (ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), hiện sức mua đã cải thiện so với tháng trước, song khoảng 1 tháng nữa mới tăng mạnh. Nguồn hàng trên thị trường khá dồi dào và có sự cạnh tranh với nhau về giá nên hiện giá bán nhiều loại dụng cụ đánh bắt thủy sản tại cửa hàng của ông Phong chỉ tăng nhẹ hoặc bình ổn.

Năm nay, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh lưới và các ngư cụ phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản mùa lũ dự đoán sẽ có lũ lớn đã chủ động chuẩn bị một lượng hàng tương đối nhiều. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cũng lo lắng về sức tiêu thụ các loại chài, lưới và dụng cụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mùa lũ 2012 sẽ không bằng năm trước, do các loại thủy sản trong tự nhiên có xu hướng đang ngày càng cạn kiệt. Có những năm lũ về nhiều nhưng cá ít làm cho hoạt động đánh bắt thủy sản mùa lũ bị “thất thu”, sức tiêu thụ các loại lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản khá chậm. Mặt khác, điều đáng báo động là nguồn thủy sản trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt và có nhiều loại thủy sản đã dần biến mất tại nhiều địa phương ở ĐBSCL do ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp và sự khai thác quá mức của con người. Trong khi đó, ngành chức năng tại nhiều địa phương ĐBSCL còn chưa quan tâm nhiều đến công tác quản lý và nghiêm cấm việc kinh doanh và sử dụng các loại dụng cụ khai thác thủy sản có tính “hủy diệt” các nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

Chủ một cơ sở kinh doanh chài, lưới và các dụng cụ đánh bắt thủy sản ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, nhìn nhận: “Bây giờ nhiều người chuộng xài các loại lú và dớn để đánh bắt thủy sản, bán một cái lú có thể lời 15.000-20.000 đồng và nhiều cửa hàng có thể bán từ 100-200 cái lú/ngày. Đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt này về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và tác động ngược lại việc kinh doanh”. Mùa lũ dù được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của các cơ sở sản xuất ngư cụ, người dân vùng lũ. Nhưng nếu khai thác tận diệt mà không có sự kiểm soát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ gìn và bảo tồn các nguồn lợi thủy sản từ thiên nhiên về sau.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết