03/06/2016 - 08:42

Khởi động Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị

Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị - là Dự án thứ 3 (Dự án 3) về đầu tư phát triển đô thị sẽ chính thức triển khai tại TP Cần Thơ đầu tháng 6 này. Dự án 3 sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước những nguy cơ về ngập lụt và các ảnh hưởng từ việc đô thị hóa nhanh, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đô thị cho thành phố Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu trong vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Tổng mức đầu tư Dự án 3 là 322 triệu USD (lấy số tròn), trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 triệu USD, vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Liên bang Thụy Sĩ (gọi tắt là SECO) là 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP Cần Thơ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2021 và chính thức khởi động dự án vào hôm nay (3-6-2016).

Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, để Dự án 3 được chính thức khởi động là cả một quá trình nghiên cứu, chọn lọc toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực và vô cùng quan trọng của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới. Trước đó, tại TP Cần Thơ đã hình thành được 2 dự án nâng cấp đô thị là Dự án Nâng cấp đô thị thành phố (Dự án 1) và Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ (Dự án 2) đã góp phần tôn tạo diện mạo đô thị thành phố khang trang như ngày hôm nay.

 Phối cảnh cầu Quang Trung...

Tuy nhiên, bao nhiêu công trình, bao nhiêu gói thầu đã xây dựng và hình thành thời gian qua vẫn chưa đủ so với nhu cầu đòi hỏi phát triển đô thị của thành phố trước những điều bức xúc, bất cập vẫn còn tồn tại mà người dân đô thị hằng ngày phải gánh chịu, các cấp lãnh đạo thành phố luôn băn khoăn trăn trở. Nhu cầu bức xúc rất lớn là vậy, nhưng để bắt đầu làm từ đâu, làm như thế nào để phát huy được hiệu quả cao nhất - hiệu quả lâu dài mà dự án mang lại là một bài toán khó! Song, qua nhiều lần khảo sát thực địa tại những khu vực đô thị còn nhiều tồn tại bất cập của các chuyên gia hàng đầu Ngân hàng Thế giới và tập hợp ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân... đã hình thành đề xuất hướng cải tạo, phát triển đô thị phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng những kịch bản tác động từ biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học trên thế giới dự báo mà con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu, chứ không đơn thuần là nâng cấp đô thị để có những con đường đẹp, những bờ kênh thẳng tắp phục vụ cho nhu cầu bức bách trước mắt.

Trước đó, vào giữa tháng 6 năm 2014, Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới do bà Hoàng Thị Hoa (Chuyên gia cao cấp đô thị) và bà Catherine Lynch (Chuyên gia kinh tế Đô thị) dẫn đầu đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát thực địa và tổ chức Hội thảo Nghiên cứu thế mạnh tại Cần Thơ… Kết quả từ chuyến khảo sát và các đề xuất từ nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo, các bên đã trao đổi, thảo luận… Ngân hàng Thế giới đã đi đến thống nhất các hành động có tính ưu tiên cho thành phố, cũng như các bước hỗ trợ tiếp theo từ phía Ngân hàng Thế giới. Đó chính là tiền đề để Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được khởi động ngày hôm nay.

Công viên sau kè Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Võ Thành Thống, chia sẻ: Dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, do đó ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, chủ đầu tư dự án phải lưu ý thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình lập dự án, hồ sơ kỹ thuật từng gói thầu chặt chẽ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của WB. Đồng thời, đảm bảo chất lượng công trình thi công, thời gian thi công dự án đúng cam kết với nhà tài trợ. Thành phố sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phối hợp kịp thời với các địa phương giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi công các gói thầu của dự án này… Về phần vốn đối ứng, thành phố cam kết sẽ cân đối ngân sách để bố trí vốn kịp thời với tiến độ giải ngân vốn ODA của nhà tài trợ.

"Những đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới suốt thời gian qua là vô cùng quý báu trong tiến trình phát triển đô thị TP Cần Thơ. Cơ quan Phát triển Liên bang Thụy Sĩ - SECO đã dành số tiền 10 triệu USD tài trợ không hoàn lại cho dự án này. Điều này có ý nghĩa rất lớn và rất đáng trân trọng trong thời điểm kinh tế thành phố còn nhiều khó khăn như hiện nay" - Chủ tịch Võ Thành Thống ghi nhận.

Tổng quan Dự án 3

Cơ sở pháp lý: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề cương danh mục “Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tại Quyết định số 27/QĐ-TTg, ngày 6-1-2016. UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị tại Quyết định số 164/QĐ-UBND, ngày 20-1-2016. Ngày 19-2-2016 tổ chức đàm phán Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới...

Mục tiêu của dự án: Các mục tiêu phát triển dự án là hạn chế rủi ro ngập trong khu vực trung tâm thành phố, cải thiện khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển, có rủi ro thấp cũng như tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai cho chính quyền TP Cần Thơ.

Thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2016 đến năm 2021, trong đó giai đoạn chuẩn bị dự án từ năm 2014-2015; triển khai thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2016-2017; triển khai dự án giai đoạn 2 từ năm  2018-2021.

Tổng mức đầu tư: 322 triệu đô-la, (tương đương 7.343 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA 250 triệu USD (tương đương 5.697 tỉ đồng). Vốn không hoàn lại từ SECO là 10 triệu USD (tương đương 227 tỉ đồng). Vốn đối ứng: 1.417 tỉ đồng (tương đương 62 triệu USD).

Dự án gồm 3 hợp phần:

Hợp phần 1: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường, gồm các hạng mục công trình: xây dựng hệ thống kè sông Cần Thơ; xây dựng bờ kè cho rạch Cái Sơn - Mương Khai; xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền, các cống ngăn triều kết hợp cầu giao thông; cải tạo hệ thống kênh rạch; xây dựng các hồ điều hòa, chứa nước; lắp đặt các trạm bơm và cải tạo hệ thống cống thoát nước; hệ thống thiết bị quản lý vận hành.

Hợp phần 2: Phát triển hành lang đô thị, gồm các hạng mục công trình: xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2); xây dựng đường và cầu Trần Hoàng Na, đường song hành đến nút giao IC3; xây dựng đường nối Cách Mạng Tháng Tám (quốc lộ 91) - đường tỉnh 918; xây dựng hạ tầng khu tái định cư An Bình; hệ thống trang thiết bị quản lý vận hành và hỗ trợ quản lý giao thông.

Hợp phần 3: Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm các hạng mục: thiết lập cơ sở dữ liệu không gian địa lý, quản lý đồng bộ, thống nhất; hệ thống trợ giúp phòng chống, khắc phục thiên tai. 

Thiện Khiêm

Chia sẻ bài viết