20/12/2017 - 10:05

Khơi dậy tiềm năng kinh tế An Giang 

An Giang là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia dài hơn 90 km, có nhiều cửa khẩu quốc tế (CKQT), cửa khẩu quốc gia (CKQG) cả đường bộ lẫn đường thủy. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ trong đầu tư hệ thống giao thông đã khiến An Giang chưa tạo được sức bật để trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Tuyến quốc lộ 91C bị xuống cấp đang cần được đầu tư, sửa chữa.

Ách từ cửa ngõ

An Giang tiếp giáp ba tỉnh, thành phố: Ðồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang. Ðể đấu nối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận, chỉ hai cửa ngõ chính là tỉnh Ðồng Tháp và TP Cần Thơ. Trong đó, tuyến An Giang - Ðồng Tháp là gần nhất để lên trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước thì vướng các tuyến đò, phà. Với tuyến đường qua TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp), phương tiện phải đi qua hai bến phà An Hòa và Cao Lãnh; tuyến qua TP Sa Ðéc (Ðồng Tháp), buộc phải qua phà Vàm Cống.

Hàng chục năm qua, các bến phà nêu trên đều quá tải khi gánh hàng triệu lượt xe qua lại, chưa kể xe từ tỉnh Kiên Giang đi TP Hồ Chí Minh cũng buộc phải qua bến phà Vàm Cống. Việc ách tắc tại những chuyến phà sẽ không còn khi hai cầu Vàm Cống và Cao Lãnh dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Thế nhưng, niềm vui chưa thể trọn vẹn khi dự án tuyến đường tránh qua TP Long Xuyên vẫn chưa được triển khai. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang Ngô Công Thức cho biết, hai cây cầu Vàm Cống và Cao Lãnh là niềm hy vọng rất lớn cho giao thông An Giang.

Tuy nhiên, nếu không được đầu tư tuyến đường tránh qua TP Long Xuyên thì các xe tải trọng lớn, xe công-ten-nơ sẽ không thể đến với An Giang và qua tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Tình trạng ùn tắc giao thông chắc sẽ còn diễn ra ít nhất từ ba đến năm năm tới.

Tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đi các huyện, thị xã còn nghiêm trọng hơn. Hai CKQT Tịnh Biên và Vĩnh Xương cùng hai CKQG Long Bình và Vĩnh Hội Ðông từ khi được Chính phủ công nhận cửa khẩu mang tầm quốc tế, quốc gia đến nay đã hàng chục năm vẫn chưa thể thông suốt. Với CKQT Tịnh Biên - CKQT đường bộ với nước bạn Cam-pu-chia sôi động nhất tuyến biên giới Tây Nam thì các tuyến đường bộ lên cửa khẩu, xe có tải trọng 30 tấn không thể lưu thông.

Nguyên nhân là do các tuyến tỉnh lộ kết nối, nhất là quốc lộ 91 đã xuống cấp nghiêm trọng. Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Nguyễn Minh Hùng cho biết: Vĩnh Xương là CKQT đường thủy lâu đời nhất trong vùng, nay đã thông cả đường bộ để sang nước bạn Cam-pu-chia với quãng đường ngắn nhất.

Vậy nhưng, do Tân Châu nằm trên tuyến cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu cho nên bốn phía phương tiện đều phải qua các đò, phà như Thuận Giang, Hồng Ngự, Châu Ðốc và lên biên giới Vĩnh Xương phải qua đò Tân An. Vì vậy, đầu tư đấu nối tuyến đường bộ đã lâu nhưng chưa thể tạo nguồn thu hiệu quả từ cửa khẩu. Mặt khác, các tuyến tỉnh lộ đến Tân Châu, ra biên giới như tỉnh lộ 952 và 953 đều quá nhỏ, tải trọng chỉ hơn chục tấn thì không thể lưu thông xe có tải trọng lớn.

Hai CKQG khác là Long Bình và Vĩnh Hội Ðông thuộc huyện An Phú càng "khốn khổ" hơn. TP Châu Ðốc cách hai cửa khẩu này gần 30 km và cầu Long Bình - Prây-thom nối hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia đã chính thức thông xe giữa năm 2017, nhưng tuyến quốc lộ 91C và tuyến tỉnh lộ 957 không thể tải nổi xe có tải trọng hơn 20 tấn với mật độ dày đặc, khiến mọi hoạt động giao thương tuyến biên giới ách tắc.

Chủ tịch UBND huyện An Phú bày tỏ: "Ðường ách tắc thì cầu đã thông vẫn không thể phát triển. Muốn đẩy mạnh kinh tế biên mậu, phát huy lợi thế cửa khẩu cả đường bộ lẫn đường thủy qua nước bạn trên tuyến biên giới địa bàn huyện An Phú thì phải đầu tư nâng cấp hai tuyến quốc lộ 91C (thực chất là tuyến tỉnh lộ 956 cũ được nâng cấp gần đây) và tuyến tỉnh lộ 957. Bên cạnh đó, hệ thống đường đấu nối giữa hai tuyến cũng chưa thông cho nên không thể kỳ vọng nhiều vào kinh tế biên mậu lúc này".

An Giang đang phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn nhưng hạ tầng giao thông đường bộ đến tất cả các điểm du lịch cũng đều nhỏ và xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh là Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Ðốc qua vùng Tứ giác Long Xuyên lên vùng Bảy Núi ra ngã ba sông Cửu Long, đang được đầu tư mở rộng nhưng phần lớn lại xuống cấp. Các đường nhánh vào điểm du lịch cũng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có nguồn vốn đầu tư.

Hệ thống giao thông thủy mang lại tiềm năng khai thác hiệu quả cho kinh tế An Giang.

Gỡ khó từ đâu?

Giám đốc Sở GTVT An Giang Ngô Công Thức cho biết, việc thiết lập mạng lưới giao thông thông suốt, liên hoàn có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, về địa lý, An Giang nằm ở trục ngang trong hạ tầng giao thông. Mặt khác, đây là tuyến cuối phía Tây Nam tiếp giáp Cam-pu-chia cho nên thời gian qua, nguồn vốn tập trung đầu tư tuyến dọc từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau mà chưa có những dự án, công trình đầu tư lớn đối với An Giang là điều dễ hiểu.

Hầu hết các công trình có quy mô lớn trên địa bàn hiện nay đang được kêu gọi đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai, như dự án đường tránh Long Xuyên, hơn chục năm nay vẫn chưa được thực hiện. Ðầu tháng 12 này, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo sự đồng bộ cho việc vận hành cầu Vàm Cống, đấu nối vào đường tránh Long Xuyên.

Vậy nhưng, bài toán nguồn vốn vẫn là nút thắt khi tổng chiều dài tuyến là 15,3 km, với tổng vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Do vậy, khó có khả năng đường tránh TP Long Xuyên hoàn thành trước năm 2020. Cùng với đó, hiện nay cũng đã có những đề xuất nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91, đấu nối thẳng ra CKQT Tịnh Biên là các tuyến tỉnh lộ 955B, 943, 941... do hiện trạng chắp vá, không phù hợp nhu cầu phát triển giao thông.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đang tập trung về huyện để đầu tư hàng loạt dự án trang trại chăn nuôi, chế biến xuất khẩu nông sản quy mô lớn. Vậy nhưng, rất nhiều nhà đầu tư sau khi xem xét đã "một đi không trở lại" do hạ tầng giao thông kém.

Tất cả các cửa ngõ vào huyện Tri Tôn và ra CKQT Tịnh Biên đều không có đường để xe công-ten-nơ đi được. Với đường thủy, tàu 3.000 tấn lưu thông đã khó, làm sao mong có những dự án trang trại hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, tiềm năng kinh tế biên mậu lẫn công nghiệp chế biến của An Phú là rất lớn, nhất là khi cầu Long Bình - Prây-thom đã hoàn thành. Ðất cho khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ngay sát biên giới cũng đã có, nhưng khi mời gọi đầu tư thì hầu hết doanh nghiệp đều e ngại khi đường lên biên giới quá nhỏ, tải trọng kém, đường nối hai tuyến chính là quốc lộ 91C và tỉnh lộ 957 hầu như không có.

Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Nguyễn Minh Hùng cho rằng: Muốn phá thế ốc đảo, đưa thị xã Tân Châu trở thành một trong ba trụ cột chính cho nguồn thu ngân sách tỉnh thì nhất thiết phải sớm đầu tư cầu Châu Ðốc, dứt khoát mở rộng tuyến quốc lộ 80B, nâng cấp bến phà Tân Châu - Hồng Ngự (Ðồng Tháp), khởi công tuyến quốc lộ N1 liên hoàn từ Ðồng Tháp Mười sang Tứ giác Long Xuyên... CKQT Vĩnh Xương cần được đầu tư thêm cửa khẩu đường bộ để tạo thế liên hoàn thủy - bộ cho cửa khẩu chiến lược này.

Hiện nay, để giải quyết dứt điểm những khó khăn về giao thông, tỉnh An Giang đã, đang đầu tư, mời gọi đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm. Theo Sở GTVT An Giang, hệ thống đường bộ gồm quốc lộ có tổng chiều dài gần 150 km (quốc lộ 91 đi qua địa phận Long Xuyên - Châu Ðốc - Tịnh Biên dài 
93 km, quốc lộ N1 đi qua Châu Ðốc - Hà Tiên dài 23 km, quốc lộ 80 đi qua địa phận huyện Thoại Sơn dài 1 km và quốc lộ 91C đi qua địa phận huyện An Phú 33 km). Ðường tỉnh có 18 tuyến dài 513 km và hệ thống đường giao thông nông thôn hiện có 4.260 km.

Ðối với hạ tầng giao thông đường thủy, toàn tỉnh hiện có 301 tuyến dài 2.338,5 km, trong đó Sở GTVT An Giang quản lý 22 tuyến dài 512,3 km; các huyện, thị xã, thành phố quản lý 278 tuyến dài 1.823,2 km và một tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng dài 2,9 km.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có hai cảng là Mỹ Thới và Bình Long đủ năng lực đáp ứng tàu lần lượt là 10 nghìn tấn và 3.000 tấn. Giám đốc Sở GTVT An Giang Ngô Công Thức cho rằng: "Các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ đáp ứng cơ bản lưu thông, nhưng phát triển ngang tầm yêu cầu thì chưa thể.

Tám tuyến tỉnh lộ đã, đang được tỉnh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư mở rộng, nâng cấp, cùng với việc xin chủ trương nạo vét, thông tuyến luồng lạch đường thủy để giảm tải cho đường bộ là cố gắng rất lớn, nhưng so với nhu cầu thì chưa thấm vào đâu.

Các dự án đường tránh Long Xuyên, cầu Châu Ðốc, trục 80B, tuyến N1, xa hơn và mang tính chiến lược bền vững là cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Ðốc (An Giang) - Phnôm Pênh vẫn chưa được triển khai thì nút thắt cho kinh tế An Giang vẫn chưa thể tháo gỡ".

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết