06/03/2018 - 07:13

Khơi dậy sức sống di sản ở Cần Thơ 

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) TP Cần Thơ đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án). Hai nhiệm vụ chính của Đề án là công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT phải đem lại hiệu quả, thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gắn kết sự phát triển của Cần Thơ với vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020.

Hát bội là loại hình DSVHPVT của Cần Thơ cần được gìn giữ và phát huy. Trong ảnh: Đoàn Tuồng cổ Phương Ánh hát cúng đình tại đình Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Hát bội là loại hình DSVHPVT của Cần Thơ cần được gìn giữ và phát huy. Trong ảnh: Đoàn Tuồng cổ Phương Ánh hát cúng đình tại đình Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Theo thống kê, Cần Thơ hiện có 104 loại hình DSVHPVT, 2 trong số này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia là Văn hóa chợ nổi Cái Răng và Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy. Một số di sản khác cũng khẳng định được vị thế, làm nên bản sắc Cần Thơ như Hò Cần Thơ, Lễ Tống Phong của người Việt ở Cần Thơ, Lẩu mắm Cần Thơ... Những di sản này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, trở thành tài nguyên phát triển du lịch quý báu.

Tổng quan các loại hình DSVHPVT ở Cần Thơ, nếu như loại hình nghề truyền thống và tri thức dân gian đang được phát huy khá tốt thì loại hình ngữ văn dân gian và tập quán xã hội, nghi lễ đang đứng trước nguy cơ mai một. Cụ thể như một số lễ tục của đồng bào Khmer ở Cần Thơ như Lễ vào bóng mát, Lễ cưới truyền thống... cần thiết phải được lập hồ sơ, ghi nhận thực tế để làm cơ sở bảo lưu. Nguyên nhân của nguy cơ mai một là vì chủ thể thực hành di sản hầu hết đã lớn tuổi, trí nhớ giảm và ít có thế hệ kế thừa. Tương tự, một số loại hình diễn xướng như hát bội, hò, nhạc lễ, múa dân gian... cũng đang thiếu hụt nhân lực tiếp nối kiểu “tre già măng chưa mọc”.

Thực tế, việc bảo tồn, khai thác giá trị các DSVHPVT ở Cần Thơ hiện nay chưa tương xứng với những giá trị gốc rễ của di sản. Ví như nghệ thuật hát bội, Cần Thơ từng và đang có những nghệ nhân rất tâm huyết với nghề. Nhưng buồn thay, nghệ nhân Bầu Hiếu- người ba đời hát bội, làm bầu đã qua đời trong cảnh khó nghèo; nữ bầu gánh duy nhất ở Cần Thơ- nghệ nhân Phương Ánh- vẫn đang loay hoay cảnh “cơm áo gạo tiền”, hầu như không có sự tiếp sức nào của địa phương. Những lão nghệ nhân nhạc lễ, học trò lễ… cũng sống bằng nghiệp dĩ của mình.

Trong tình thế đó, Đề án ra đời thực sự là cú hích trong bảo tồn DSVHPVT ở Cần Thơ. Những giải pháp Đề án đưa ra khá cụ thể và khả thi. Đó là, Cần Thơ cần tổ chức Hội nghị chuyên đề về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá nói chung, DSVHPVT nói riêng; đưa những chỉ tiêu cụ thể vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, báo cáo hàng năm của Hội đồng Nhân dân các cấp. Đặc biệt, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản là điều nên hết sức quan tâm bởi lẽ “có thực mới vực được đạo”.

Nhóm giải pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Đề án cũng khá hay. Đó là việc tiến hành điều tra, ghi chép bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại các phong tục, tập quán, lễ hội hoặc những hình thái phi vật thể có nguy cơ mai một. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống số hóa và phổ biến những thông tin về di sản trên mạng internet. Nhưng có lẽ, cốt lõi vẫn là nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản và trách nhiệm trong bảo lưu giá trị truyền thống. Những hoạt động “Tìm về di sản”, “Học sinh tìm hiểu di sản”... mà ngành văn hóa Cần Thơ làm trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả tích cực.

Tin rằng, sức sống di sản ở Cần Thơ sẽ được khơi dậy từ sự ra đời của Đề án này.         

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết