05/05/2010 - 22:14

ĐỒ CHƠI TRẺ EM

Khó quản lý theo qui chuẩn?

Từ ngày 15-4-2010, Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả đồ chơi trẻ em khi lưu hành trên thị trường phải có dấu hợp qui của Bộ KH-CN. Tuy nhiên, cũng như các thị trường lớn khác trên cả nước, tại TP Cần Thơ, hiện nay, hầu hết các mặt hàng đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường vẫn không có dấu hợp chuẩn cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

* TRÀN NGẬP HÀNG “MADE IN CHINA”

 Hầu  hết các sản phẩm đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường vẫn chưa có tem hợp theo qui chuẩn mới.

Loay hoay tìm một món đồ chơi để tặng cho con mình nhân dịp sinh nhật, chị Nguyễn Thị Mộng Thu, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều, thổ lộ: “Nhu cầu sử dụng đồ chơi đối với trẻ nhỏ là rất thiết thực. Thời gian qua nhiều thông tin về hàng đồ chơi Trung Quốc nhập lậu không bảo đảm về tính an toàn cho trẻ nhỏ nên tôi rất lo ngại. Được biết, theo qui định hiện nay sản phẩm đồ chơi trẻ em bán trên thị trường phải có tem kiểm định chất lượng khi ra thị trường tôi rất mừng. Tuy nhiên, tìm kiếm khá lâu nhưng tôi vẫn chưa thấy sản phẩm có dán tem hợp chuẩn, chưa nói đến còn rất nhiều mặt hàng không có lấy một dòng thông tin giới thiệu sản phẩm”. Cũng như chị Thu, hầu hết các phụ huynh hiện nay khi mua đồ chơi cho trẻ em vẫn phải tự lựa chọn, chủ yếu bằng cảm quan, thấy sản phẩm nào có vẻ chắc chắn, sạch sẽ... thì mua; một số khác thì chọn mua bằng cách đến các địa chỉ, cửa hàng lớn có uy tín...

Hiện nay, các sản phẩm đồ chơi trẻ em tại các đại lý phân phối, các siêu thị, cửa hàng lớn, nhỏ hoặc các điểm bán ven đường... ở nội ô TP Cần Thơ được bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Điển hình như: các loại súng, búp bê, siêu nhân, kiếm nhựa, xe hơi, máy bay, rôbốt điều khiển từ xa, bộ ghép hình, hạt màu (ngâm nước nở ra)... đủ màu sắc, kích cỡ, giá bán rất đa dạng, từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Theo khảo sát của chúng tôi, trên 90% các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, các con thú nhồi bông, sản phẩm đồ chơi trẻ em khá thịnh hành trong vài ba năm trở lại đây cũng không ngoại lệ. Nghĩa là phần lớn sản phẩm đều ghi dòng chữ “made in China” và điều đáng quan tâm là phần lớn các sản phẩm này không ghi rõ phụ đề tiếng Việt các qui định công bố về xuất xứ, thành phần, thông số kỹ thuật, nhà cung cấp, ngày sản xuất, hạn dùng cũng như những cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng...

* NHÀ QUẢN LÝ KÊU... KHÓ

Trong những năm qua, Bộ KH-CN đã có những qui định về qui chuẩn cho mặt hàng đồ chơi trẻ em như kiểm tra cơ lý và các chất ô nhiễm cũng như đề ra các qui chuẩn có trong sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, theo các cơ quan hữu quan, đồ chơi trẻ em được xếp vào nhóm các mặt hàng khó quản lý. Bởi dù bằng mắt thường cũng có thể nhận biết đâu là sản phẩm kém chất lượng, nhưng để xử phạt đòi hỏi phải có giấy kiểm định. Tuy nhiên, hầu hết các mẫu hàng đồ chơi này đều có kích thước, hình dáng nhỏ, được tiêu thụ nhỏ lẻ nên không đủ để lấy mẫu, chưa kể nguồn kinh phí để thực hiện cho việc kiểm định chất lượng hiện rất hạn hẹp... Chính vì thế, nhiều năm nay, khi kiểm tra mặt hàng đồ chơ trẻ em, các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hóa đơn, chứng từ đầu vào và hầu như không “đụng” đến việc kiểm tra chất lượng.

Ngày 26-6-2009, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành qui chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi cho trẻ em và đến ngày 15-4-2010, tức sau gần 1 năm, qui chuẩn này chính thức có hiệu lực. Theo qui chuẩn mới, đồ chơi trẻ em chỉ được lưu hành khi đã hoàn thành việc kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các chất liệu đồ chơi bằng gỗ, vải, nhựa... và có tem chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ KH-CN. Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 1 tháng qui định có hiệu lực, thị trường đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn chưa có chuyển biến. Hầu hết các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em vẫn chưa được phổ biến và còn khá mơ hồ về qui định mới này.

Giải thích tình trạng này, ông Nguyễn Minh Thương, Chi cục trưởng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH-CN TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, Chi cục đang tiến hành thống kê lại toàn bộ các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do nhân sự mỏng nên việc thống kê này không thể thực hiện nhanh chóng được. Thực tế, đồ chơi trẻ em là mặt hàng khá nhạy cảm, công tác quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi trên thị trường, có những cửa hàng đăng ký, nhưng có những cửa hàng kinh doanh theo truyền thống gia đình hoặc bán dạo. Do đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ như vậy gây khó khăn trong việc lấy mẫu kiểm định. Mặt khác, việc thu hồi, xử phạt cũng phức tạp do phải thông qua nhiều cơ quan chức năng... Vì vậy, để nhanh chóng thực hiện tốt các quy chuẩn cho sản phẩm đồ chơi trẻ em thì cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng”.

Đồ chơi được xem là vật hỗ trợ cho sự phát triển tư duy của trẻ nhỏ nên nhu cầu sử dụng đồ chơi cho trẻ là rất cần thiết. Đảm bảo thực thi các qui chuẩn của Bộ KH-CN về đồ chơi trẻ em, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì sự ủng hộ từ nhà sản xuất và đặc biệt là ý thức của người tiêu dùng sẽ góp phần rất lớn để trẻ em có được một sản phẩm vui chơi mang tính giáo dục cao, không tiềm ẩn nguy cơ xấu đến sức khỏe và an toàn tính mạng...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết