15/09/2008 - 08:21

Khi nguy cơ tái nghèo gia tăng !

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định: “Hiện người nghèo đang phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Tỷ lệ tái nghèo đang có chiều hướng tăng lên”. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, người nghèo và các đối tượng chính sách là bộ phận dân cư vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nay phải gánh thêm hậu quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh và lạm phát cao.

Báo cáo của NHCSXH Việt Nam cho biết, sau 5 năm hoạt động, ngân hàng này đã đưa gần 50.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD) vốn vay của Nhà nước đến người thụ hưởng là các hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Và tính đến ngày 30-6-2008, tổng nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam đạt 45.000 tỉ đồng; tổng dư nợ đạt 42.200 tỉ đồng. Trong đó, 90% nguồn vốn được đầu tư cho 4 chương trình: hộ nghèo, vùng khó khăn, học sinh- sinh viên và giải quyết việc làm. Đến nay, đã có hơn 9,1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo thêm 1,9 triệu việc làm mới; hơn 750.000 học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng hơn 820.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Thời gian qua, nhà nước đã dành ra một khoản tiền thích đáng giúp người nghèo tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất- kinh doanh, có thêm cơ hội làm ăn để xóa đói giảm nghèo. Song, trên thực tế, với nhiều hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở vùng nông thôn, thì hiện nay hầu như muốn tiếp cận với nguồn vốn chỉ có thể đến gõ cửa ở hai tổ chức tín dụng là NHCSXH và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Tuy vậy, muốn vay được vốn không phải là chuyện dễ dàng!

Tiếp cận nguồn vốn khó, cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại không có “bà đỡ” từ phía ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, nên từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gặp muôn vàn khó khăn. Sản xuất- tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn lại rơi đúng vào thời kỳ mà lạm phát kinh tế đang ở mức cao, khiến đời sống các hộ nghèo, hộ làm nông nghiệp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bản phúc trình mang tên “Bối cảnh kinh tế Thế giới và dự báo chỉ tiêu vĩ mô năm 2009” đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam năm 2008 của Bộ Kế hoạch- Đầu tư và dự đoán mức lạm phát cả năm dao động khoảng 29-33%. Chính các yếu tố đầu vào tăng quá cao khiến cho tình trạng tái nghèo ở khu vực nông thôn và miền núi gia tăng. Theo Dự báo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam cuối năm 2008 sẽ vào khoảng 14,5%, cao hơn chỉ tiêu nhà nước đặt ra là 11 -12%. Còn đối với thành thị, dự báo hết năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 4,5%.

Rõ ràng, mặc dù được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao trong công tác xóa đói giảm nghèo thời gian qua, song, do tình hình lạm phát, giá cả leo thang kèm theo thiên tai, dịch họa nên tình trạng tái nghèo đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thành quả công tác xóa nghèo của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, làm cho đời sống của người nghèo thêm khốn khó.

Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa chính của cả nước - là ví dụ điển hình. Nhớ lại cách đây vài tháng, đã có lúc giá lương thực, cụ thể là giá gạo, tăng cao chóng mặt. Giá tăng cao nhưng người trồng lúa lợi chỉ chút ít, còn thương lái lợi phần nhiều. Thế rồi, thấy giá lúa tăng, nhiều nông dân đua nhau chặt cây, phá vườn để trồng lúa. Giờ đây, khi đã vào vụ thu hoạch, lúa của nông dân chất đầy nhà mà giá rẻ bèo, chẳng thấy doanh nghiệp nào đến mua. Để cứu vãn nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các địa phương, các doanh nghiệp phải ứng tiền mua hết lúa cho nông dân. Thế nhưng, hiện tại ở một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... nhiều nông dân vẫn đang rầu rĩ trên đống lúa.

Lúa không bán được (có lúc cá tra cũng không bán được), tiền lãi ngân hàng khó bề trả nổi, gánh nợ nần ngày càng nặng. Trước đây, chi phí cho trồng lúa hay sản xuất cá tra chỉ vào khoảng 30% trên giá thành, thì nay đã lên tới 60-70% giá thành. Cộng cả tiền lãi ngân hàng... nhiều nông dân trồng lúa, nuôi cá tra bị lỗ nặng. Cái nghèo không “chia tay” họ mà còn có xu hướng gia tăng. Ở vựa lúa chính của cả nước mà đời sống nông dân còn như vậy, thì các vùng miền khác cả nước như miền núi, duyên hải miền Trung, đặc biệt những địa phương phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai, nguy cơ tái nghèo còn cao hơn nhiều. Trung bình mỗi người dân thu nhập một năm vào khoảng 5-7 triệu đồng, trong khi tất cả các loại chi phí cho sản xuất và sinh hoạt đều tăng: giá đầu vào cho sản xuất tăng, chi phí cho con đến trường học tăng, viện phí và thuốc chữa bệnh tăng... khiến đời sống nhiều người nghèo vốn đã khó càng thêm khó.

Vì vậy, để công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, giảm nguy cơ tái nghèo thì một trong những vấn đề mấu chốt là phải giải được bài toán vĩ mô: “Hạ nhiệt” giá cả và có chính sách trọn gói đối với người nghèo. Nếu không, tình trạng tái nghèo sẽ ngày càng nghiêm trọng.

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết