18/10/2018 - 20:54

Khi người trẻ “đói” tình cảm 

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng làm tròn vai trò, trách nhiệm là luôn yêu thương, chăm sóc con qua việc chu cấp đầy đủ tiền bạc, vật chất để con được đến trường học hành, không thua sút bạn bè trang lứa. Tuy nhiên, những điều này chỉ là điều kiện cần trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách thanh thiếu niên...


Những dịp cùng gia đình đi du lịch giúp bạn trẻ cảm nhận được sự quan tâm, tình cảm yêu thương của người thân. Ảnh: THẢO MỘC

Mới đây, tại buổi giao lưu giữa người cai nghiện ma túy với cán bộ quản lý địa phương diễn ra tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội và Quản lý sau cai nghiện ma túy TP Cần Thơ, chúng tôi có dịp trò chuyện với gia đình Phan Nguyễn Nhật Minh, 17 tuổi (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Minh được gia đình đưa đến Trung tâm cai nghiện ma túy theo hình thức tự nguyện hơn 2 tháng.

Cha mẹ Minh có công ty kinh doanh trang trí nội thất khá lớn ở quận 3. Do bận rộn công việc, cha mẹ Minh không có nhiều thời gian chăm sóc con trai. Là con một, Minh được người giúp việc lo chuyện ăn, ngủ; có gia sư dạy kèm. Ở tuổi hiếu động, tò mò, lại thiếu sự quan tâm, quản lý của cha mẹ, Minh dần tụ tập cùng bạn bè đến bar, vũ trường và... vướng vào ma túy. Khi phát hiện con trai sử dụng ma túy, cha mẹ đưa Minh đến Cần Thơ để cai nghiện. Mẹ Minh chia sẻ: “Bây giờ, tôi mới hiểu, vì quá lo việc kinh doanh, tôi ít trò chuyện, không quan tâm những điều con suy nghĩ. Thi thoảng tôi nhắc nhở con học hành, không chơi bời, lêu lổng nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Giờ đây, vợ chồng tôi mong con trai cai nghiện tốt để còn lo tương lai sau này”.

Trong thực tế, nhiều phụ huynh cùng suy nghĩ như cha mẹ Minh rằng đã quan tâm và chăm sóc con bằng việc cố gắng lao động để con có cơm ngon, áo đẹp, học hành không thua kém bạn bè..., là làm tròn trách nhiệm và bổn phận với con. Còn việc chia sẻ những suy nghĩ, ước mơ để các em có thêm niềm tin và vững vàng đối diện với cuộc sống là yếu tố quan trọng giúp hình thành và phát triển nhân cách sống lành mạnh... thì một số phụ huynh lãng quên. Em H.T.H. (18 tuổi), phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Cha em làm công nhân ngành điện, còn mẹ bán hàng ở chợ. Mỗi khi đi học về, em rất thích trò chuyện với mẹ, muốn mẹ hỏi về chuyện bạn bè, học hành nhưng dường như mẹ ít hỏi thăm. Có những chuyện em muốn cha mẹ góp ý, định hướng nhưng dường như không ai quan tâm nên em chỉ biết tâm sự với bạn bè”.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, do xã hội phát triển nên việc nuôi dạy con cũng chịu nhiều tác động. Có rất nhiều gia đình nuôi dạy con theo lập trình. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh chỉ chú tâm mưu sinh và cho rằng vất vả làm việc để lo cho con có cơm ăn, áo mặc, được đến trường học hành là đã làm tròn trách nhiệm. Những gia đình công chức, viên chức, điều kiện kinh tế khá giả, công việc cơ quan, chuyên môn cuốn hết thời gian, hầu như không có thời gian bên con. Thậm chí có phụ huynh cả tuần chưa lần trò chuyện cùng con.

Theo Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, tuổi thiếu niên có rất nhiều “biến động” trong suy nghĩ, ứng xử và hành động; luôn mong muốn mọi người, nhất là người thân xem các em là người lớn thông qua việc được làm quen bạn khác giới, chi tiêu tiền, tham dự tiệc, mừng sinh nhật bạn bè… và không tránh khỏi tình trạng thể hiện “quá trớn”. Nếu được cha mẹ quan tâm, chia sẻ, các em sẽ thoải mái trình bày khó khăn và mạnh dạn nhờ “gỡ rối”. Ngược lại, các em sẽ tự tìm cách giải quyết, trong khi chưa đủ khả năng nhận thức đúng bản chất vấn đề nên dễ dẫn đến hành động sai lầm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tạo không khí gia đình thoải mái, cởi mở, giúp các em có điểm tựa vững chắc, không phải một mình đối mặt với mọi vấn đề cuộc sống trong quá trình trưởng thành để hình thành nhân cách sống lành mạnh.

THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết