09/11/2010 - 21:00

Khi con cá kèo rớt giá !

Lãnh đạo huyện Đầm Dơi (Cà Mau) tham quan mô hình nuôi cá kèo của gia đình anh Nguyễn Văn Phong ở xã Tân Đức. Ảnh: H.T

Khi thấy giá cá kèo thương phẩm tăng cao đến mức kỷ lục, nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL ồ ạt thả giống… Đến khi thu hoạch rầm rộ, cá kèo đột nhiên rớt giá thê thảm… Hiện giá cá kèo thương phẩm bán tại nhiều chợ đầu mối ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… dao động từ 55.000-70.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với giá cá của 3 tháng trước đây.

* Cho ăn cầm chừng, chờ giá

Người dân ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau gọi anh Nguyễn Văn Phong là “vua” cá kèo. Sau 1 thời gian thất bại với mô hình nuôi tôm công nghiệp, 7 đầm tôm công nghiệp, diện tích khoảng 2ha được anh chuyển sang nuôi cá kèo. 3 năm qua, mô hình nuôi này mang về cho gia đình lợi nhuận bạc tỉ. Trên đà thành công, năm 2010, anh thả 7 ao nuôi cá kèo, thu hoạch trước 1 ao vào đầu tháng 9, được 3,5 tấn cá. Với giá bán 140.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lời gần 200 triệu đồng. Những tưởng anh sẽ tiếp tục hốt bạc, vậy mà bây giờ, thương lái vào tận nhà báo giá cá kèo loại lớn (45-50 con/kg) chỉ còn 60.000 đồng. Buồn quá, hổm rày tôi cho ăn cầm chừng. Nếu giá cá không nhích lên, vụ nuôi năm nay cầm hòa vốn là cái chắc” - Anh Phong nói.

Ở Đầm Dơi, hiện có nhiều hộ nuôi cá kèo cùng cảnh ngộ như anh Phong. Năm 2010, toàn tỉnh Cà Mau có gần 1.000 hộ nuôi tôm công nghiệp thất bại trước đó chuyển sang nuôi cá kèo, năng suất bình quân từ 7-10 tấn/ha. Hiện còn hơn phân nửa số hộ nuôi với hơn 500 tấn cá kèo thương phẩm đã quá lứa thu hoạch đang nằm chờ giá. Trong thời gian chờ giá cá nhích lên, mỗi hộ nuôi mỗi ngày bỏ ra từ 1-2 triệu đồng để cho cá ăn cầm chừng. Ở Bạc Liêu và Sóc Trăng-hai tỉnh có diện tích nuôi cá kèo lớn với trên 1.000ha, người nuôi cá kèo cũng gặp phải tình cảnh nan giải tương tự. Anh Út Điền, hộ nuôi cá kèo ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm nào cũng vậy, nông dân chúng tôi đều gặp phải tình cảnh “được mùa mất giá” và ngược lại.

Anh Bảy Sơn, một người nuôi cá kèo ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ví von “Nuôi cá kèo phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống tự nhiên, nên khi có đủ giống thả nuôi thì thu hoạch ngay vào thời gian từ giữa tháng 9-cuối tháng 11. Thời điểm này thì giá cá rẻ, làm sao có lời nhiều được.

* Vì sao cá kèo rớt giá?

Sau thời gian nuôi tôm sú thất bại, nhiều diện tích ao nuôi tôm sú ở các huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... chuyển sang nuôi cá kèo, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi này, nông dân ở Bạc Liêu, Cà Mau còn tận dụng cả ruộng muối để lấp vụ bằng cá kèo. Theo thống kê chưa đầy đủ, đồng đất Bạc Liêu hiện có gần 400 ha khoanh nuôi cá kèo, tập trung nhiều ở các xã ven biển của thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải. “Đến khoảng giữa tháng 10, hộ nuôi cá kèo đồng loạt thu hoạch dẫn đến tình trạng “thừa cá”, đẩy giá cá xuống thấp.

Tìm hiểu nguyên nhân khiến cá kèo thương phẩm nhanh chóng tuột giá chỉ trong một thời gian ngắn, được biết do mô hình nuôi cá kèo khá đơn giản, ít gặp rủi ro như nuôi tôm nên nhiều địa phương đã mạnh dạn khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi này đại trà, thiếu quy hoạch, liên kết vùng nuôi giữa các tỉnh với nhau. Trong khi đó, cá kèo chủ yếu tiêu thụ nội địa, nên chịu ảnh hưởng tất yếu của quy luật cung-cầu. Vì vậy, vào thời điểm như hiện nay, nhiều địa phương thu hoạch cá rầm rộ khiến cung vượt cầu, dẫn đến giá cá tuột giảm. Bị tư thương ép giá, khiến người nuôi giảm sút đáng kể lợi nhuận, thậm chí nhiều hộ còn không có lời.

Bàn về giải pháp lâu dài cho mô hình nuôi cá kèo, kỹ sư Lương Ngọc Lân, Phó giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Trong khi nghề nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn do chịu tác động của biến đổi khí hậu, làm thời tiết, môi trường thường xuyên biến đổi, dịch bệnh hoành hành thì trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá kèo đã mở ra triển vọng mới cho người nuôi tôm ở Bạc Liêu cũng như ĐBSCL. Tuy nhiên, để mô hình nuôi này phát triển một cách bền vững, căn cơ, bên cạnh việc mạnh dạn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật, nuôi cá thành công... thì rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc liên kết “4 nhà”, nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đảm bảo cán cân cung cầu tương đối, ổn định giá. Có làm được như vậy, nông dân sẽ tránh được tình trạng đụng hàng, dội chợ như hiện nay, từ đó người nông dân mới yên tâm sản xuất.

Hữu Tùng-Trần Chiến

Lãnh đạo huyện Đầm Dơi (Cà Mau) tham quan mô hình nuôi cá kèo của gia đình anh Nguyễn Văn Phong ở xã Tân Đức. Ảnh: H.T

Chia sẻ bài viết