18/08/2017 - 20:43

Khi bạn đời là “Hoạn Thư” 

Nhiều người quan niệm rằng, ghen là một trong những biểu hiện của tình yêu, là “gia vị” để cuộc sống gia đình thêm phong phú, đa dạng sắc màu. Đối với một số người, đối phương không biết ghen là không yêu mình sâu đậm và họ cảm thấy tự hào khi người bạn đời ghen. Tuy nhiên, nếu ghen thái quá sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí “tan nhà, nát cửa” chỉ vì ghen tuông mù quáng…

 Các cặp đôi nên dành nhiều thời gian cho nhau để vun đắp tình cảm, xây dựng niềm tin với đối phương, tránh việc ghen bóng ghen gió, ảnh hưởng hạnh phúc.

Nhiều sắc thái… ghen

Anh H. khá điển trai, còn là bác sĩ giỏi nên được nhiều nữ đồng nghiệp ngưỡng mộ, quý mến. Anh H. kết hôn 15 năm, con gái đầu lòng 12 tuổi, nhưng vợ anh luôn ghen bóng, ghen gió. Hễ có người phụ nữ nào liên hệ, trò chuyện với anh, vợ anh luôn tìm cách “điều tra”. Anh H. bị kiểm tra email, điện thoại mọi lúc, mọi nơi…

Tương tự, chị Kh. rất khổ tâm vì ông chồng khá ghen. Trước kia, khi thấy vợ chồng chị luôn có đôi có cặp, nhiều người ngưỡng mộ vì chị có người chồng tâm lý, chịu khó tham gia các hoạt động của cơ quan vợ. Nhưng chị Kh. hiểu, anh Th., chồng chị, luôn có mặt tại các buổi sinh hoạt, họp hội của nhóm bạn thời đại học, bạn đồng nghiệp, để… kiểm soát chị. Nếu chị có dấu hiệu “bất thường” với người khác phái, lập tức anh sẽ “ra mặt”.

Vợ chồng anh L. và chị Gi. đều là giảng viên trẻ, sống khá hạnh phúc. Tuy vậy, chị Gi. cảm thấy “bất an” bởi quanh anh L. có nhiều bóng hồng. Anh L. ngoại hình khá bảnh bao, nhiều tài lẻ. Thỉnh thoảng, các sinh viên nữ nhắn tin hoặc mời anh L. uống nước. Nếu chỉ trao đổi bài vở bình thường cũng không vấn đề gì nhưng nhiều sinh viên vô tư tâm sự chuyện tình cảm trong khi anh L. vợ con đề huề. Tuy ghen “tím ruột bầm gan” nhưng chị Gi. hành xử rất khôn ngoan. S. là một trong số sinh viên hay nhắn tin trò chuyện với anh L. Chị Gi. thường thay anh L. trả lời tin nhắn và nhiệt tình hướng dẫn S. cách giải quyết công việc. Một lần, chị làm như “vô tình” thông báo với S., chị là người thay chồng trả lời tin nhắn, góp ý kiến… Biết chuyện, S. sốc nhưng cũng hiểu ra vấn đề và không liên lạc với anh L. nữa. Chị Gi. nói chuyện rõ ràng với chồng, anh L. rất nể cách cư xử hợp lý, hợp tình của vợ.

Gia vị “quá tay”

Anh H. cho biết đã ly hôn với vợ vì những mâu thuẫn gay gắt không thể hàn gắn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là chị quá ghen, không tin tưởng chồng. Một lần, anh vừa trả lời phỏng vấn với đại diện cơ quan thông tấn về lĩnh vực chuyên môn do anh phụ trách. Sau đó, phóng viên viết bài gởi email cảm ơn sự hợp tác nhiệt tình và yêu cầu anh đọc lại thông tin trước khi đăng tải. Lập tức, vợ anh cho con gái gởi email hỏi thông tin và cảnh cáo không được qua lại với người đàn ông có gia đình khiến đại diện cơ quan thông tấn rất bức xúc, yêu cầu anh H. “làm rõ”. Sau sự việc, mọi người trong đơn vị biết tiếng “Hoạn Thư” của vợ anh. Anh H. cảm thấy mệt mỏi, từ đó, tình cảm vợ chồng rạn nứt dần, dẫn đến chia tay.

Dù chị Kh. sống rất nghiêm túc, cư xử đúng mực nhưng thỉnh thoảng vẫn bị chồng “thử thách” bằng cách thông báo đi công tác xa vài ngày nhưng đột xuất về kiểm tra xem ban đêm chị Kh. có ngủ ở nhà. Thậm chí, anh Th. dùng sim rác nhắn tin dụ dỗ, tán tỉnh, xem phản ứng của chị Kh. Nếu chị im lặng không trả lời, anh cho rằng “có tịch rục rịch” và có lý do để anh hoạnh hẹ kiếm chuyện với vợ. Thường xuyên bị chồng “bức bách”, chị Kh. luôn sống trong tình trạng căng thẳng, không thể tập trung làm việc. Hôn nhân của chị đứng trên bờ vực thẳm…

Vì tính hay ghen của chị M. mà cả tuần nay hai vợ chồng “chiến tranh lạnh”. Đáng buồn hơn khi việc chị ghen tuông, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình bạn anh K., chồng chị. Số là, dịp họp lớp, nghe tin chị V., bạn thời đại học đang gặp khó khăn, bạn bè có nhã ý đóng góp tiền để hỗ trợ chị V. chữa trị bệnh cho chị và con trai. Anh K. thành đạt, thu nhập cao nên ngoài phần đóng góp chung, anh giúp thêm gia đình chị V. số tiền khá lớn và nói rằng cho mượn, đến khi chị V. có khả năng sẽ trả. Thời gian sau, chị V. nhắn tin cảm ơn và đề nghị anh gởi số tài khoản để chị chuyển trả tiền. Anh K. cho rằng, tuy chị V. hết bệnh nhưng cuộc sống còn khó khăn nên anh chưa muốn nhận lại tiền. Vợ anh K. biết chuyện, làm ầm ĩ lên, thậm chí mỉa mai chị V., rằng bạn bè giúp nhau là tốt nhưng không lấy lại tiền là bất thường và đây là khoản “tình phí” anh K. trả chị V. Nghe vậy, chồng chị V. từ chỗ tin tưởng cũng nhìn vợ bằng ánh mắt khác...

Nhiều người quan niệm rằng, giữa vợ chồng cần có niềm tin. Nếu đã tin thì không ghen. Tuy vậy, theo kinh nghiệm các cặp đôi hạnh phúc, để nuôi dưỡng niềm tin này, trước hết, vợ chồng phải có cách sống, thái độ ứng xử phù hợp, xây dựng niềm tin vững chắc cho đối phương, chứ không chỉ nhân danh tình yêu và yêu cầu người bạn đời phải tin tưởng tuyệt đối. Chị Gi. chia sẻ: “Tin vẫn tin, nhưng một khi có điều gì đó vượt quá giới hạn, người bạn đời cần lưu tâm và có cách giải quyết phù hợp”. Do đó, dù “ghen” là “gia vị” để cuộc sống gia đình thêm phong phú, các cặp đôi phải tỉnh táo để có thể gia giảm liều lượng vừa đủ, tránh “quá tay”, dẫn đến “tan nhà nát cửa”.

Bài, ảnh: Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết