06/08/2018 - 09:56

Phát triển ngành thương mại dịch vụ TP Cần Thơ

Khẳng định vị trí “đầu tàu” 

Định hướng phát triển ngành thương mại - dịch vụ là mũi nhọn phát triển kinh tế của TP Cần Thơ. Sau 15 năm hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ -  du lịch của thành phố đã được định vị với quy mô hiện đại, khẳng định trung tâm thương mại của cả vùng ĐBSCL.

TP Cần Thơ hiện có 48 tổ chức tín dụng, 257 điểm giao dịch ngân hàng với các dịch vụ phong phú và đa dạng (trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Cần Thơ). Ảnh: KHÁNH NAM
TP Cần Thơ hiện có 48 tổ chức tín dụng, 257 điểm giao dịch ngân hàng với các dịch vụ phong phú và đa dạng (trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Cần Thơ). Ảnh: KHÁNH NAM

Năm 2004, TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Sau 15 năm, cùng với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển ngành thương mại dịch vụ của thành phố đã đánh dấu nhiều bước tiến vượt bậc, dần phát triển theo hướng trở thành  trung tâm đầu mối thương mại vùng ĐBSCL. Kết cấu hạ tầng của thành phố ngày càng được hoàn thiện. Nhiều công trình quan trọng cấp vùng đã được đầu tư như: công trình cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, cùng nhiều tuyến giao thông được đầu tư mới, nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện kết nối phát triển kinh tế  – xã hội  giữa TP Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh và cả nước. Từ lợi thế này, TP Cần Thơ xác định, phát triển thương mại - dịch vụ giữ vai trò trọng yếu để trở thành thành phố động lực của vùng ĐBSCL. Với định hướng đó, thành phố  tạo mọi điều kiện để các đơn vị kinh doanh thương mại- dịch vụ phát triển...

15 năm qua, nhiều hạng mục hạ tầng thương mại được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp theo hướng hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Điểm sáng của thành công này là sự lớn mạnh của kênh thương mại hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố và các địa phương lân cận. Tại TP Cần Thơ hiện có các thương hiệu Trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị chuyên doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước như: LOTTE Mart, Big C, Sense City, Vincom, Co.opmart, Vinmart, Nguyễn Kim, Thegioididong, FPT… cùng các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và hệ thống chợ truyền thống đã và đang khẳng định tính năng động, đa dạng của dịch vụ.

 Siêu thị Co.opmart Cần Thơ - siêu thị đầu tiên tại các tỉnh thành ngoài TP Hồ Chí Minh của hệ thống siêu thị này, sau hơn 10 năm vẫn luôn là “đầu tàu” chi phối thị trường bán lẻ của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, siêu thị Co.opmart Cần Thơ là kênh phân phối các mặt hàng bình ổn giá, góp phần điều tiết giá cả thị trường, an sinh xã hội tại Cần Thơ và các địa phương lân cận. Đầu năm 2014, Saigon Co.op tiếp tục nâng tầm đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Sense City tích hợp nhiều loại hình mua sắm và giải trí hiện đại đầu tiên của ĐBSCL và đây cũng là trung tâm thương mại đầu tiên của Saigon Co.op, thu hút trung bình từ 10.000 đến 15.000 lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày.

Sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động TTTM Vincom Hùng Vương, tháng 9 năm 2016 Tập đoàn Vingroup chính thức đưa vào hoạt động tòa tháp cao nhất khu vực ĐBSCL. Tổ hợp bao gồm 1 tòa tháp 30 tầng cùng 52 căn nhà phố thương mại Shophouse, tạo nên một quần thể kiến trúc sang trọng và đẳng cấp. Trong đó, TTTM Vincom Plaza Xuân Khánh với 3 tầng hầm, 5 tầng nổi trên tổng diện tích mặt sàn hơn 25.000m2. Đến nay, ngoài 2 TTTM, 3 siêu thị Vinmart, Vingroup còn phát triển hàng loạt các cửa hàng tiện ích Vinmart + được đặt len lỏi trong các khu dân cư. TTTM và  Đại siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ cũng đã mang đến cho người dân địa phương phong cách mua sắm hiện đại và chuyên nghiệp theo phong cách Hàn Quốc. Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông và Thương hiệu, LOTTE Mart Việt Nam, cho biết: Với tiềm năng phát triển cao, thị trường rộng lớn, đây cũng chính là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư tại Cần Thơ. TP Cần Thơ là một thành phố với nhịp sống sôi động, điểm sáng của vùng ĐBSCL, hội tụ đủ những yếu tố hỗ trợ sự phát triển của thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… TP Cần Thơ sẽ là động lực phát triển của vùng, là đầu tàu giúp cho các tỉnh thành khu vực sông Mê Công phát triển trong thời gian sắp tới. Hiện tại cùng với toàn hệ thống, chúng tôi đã triển khai và áp dụng tại LOTTE Mart Cần Thơ ứng dụng di động thông minh với tên gọi “SPEED L”.

Lĩnh vực du lịch thành phố được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ từng bước được nâng cao. Dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông phát triển theo hướng hiện đại. Các loại hình vận tải chất lượng cao ra đời phát huy hiệu quả; mạng lưới viễn thông, điểm giao dịch bưu điện được mở rộng. Các dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ… không ngừng phát triển. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ mới như: kinh doanh bất động sản, kho vận, thông tin, truyền thông… phát triển khá tốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ hiện tập trung đông đủ và đa dạng với 48 tổ chức tín dụng, 257 điểm giao dịch ngân hàng với các dịch vụ phong phú hỗ trợ tốt cho các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến làm ăn tại TP Cần Thơ. Sắp tới sẽ có thêm ngân hàng đến từ Hàn Quốc thành lập chi nhánh tại Cần Thơ để hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và doanh nghiệp thành phố, cũng như các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp Cần Thơ và doanh nghiệp Hàn Quốc.

TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, trung tâm động lực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại dịch vụ với mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh. Theo các chuyên gia, thành phố cần chú trọng các giải pháp liên kết vùng, tăng cường đầu tư công nghệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến quốc lộ, kết nối giao thông; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới hình thức đầu tư, chuẩn bị cơ sở cho hội nhập kinh tế quốc tế… 

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết