25/04/2018 - 16:20

Khẳng định chất lượng, tạo lập niềm tin cho người tiêu dùng 

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố tập trung chỉ đạo mở rộng vùng nguyên liệu nông sản đảm bảo chất lượng; chú trọng phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Thành phố đã xây dựng thành công nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Sắp tới, cùng với việc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử được triển khai, song song sẽ là hướng đi đột phá trong việc khẳng định chất lượng, tạo lập niềm tin cho người tiêu dùng về dòng sản phẩm nông sản sạch, an toàn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Ảnh: MỸ THANH
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Ảnh: MỸ THANH

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là nhu cầu cấp thiết và cũng là giải pháp mang tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía người tiêu dùng. Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phù hợp trên một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng”. Tính đến thời điểm này, thành phố đã xây dựng thành công 12 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 50 sản phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia chuỗi cung ứng này có thể kể đến là: Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Hợp tác xã Nhất Tâm, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, Cơ sở chế biến Giò chả 69, Nông sản An Bi...

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nhất Tâm, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, chia sẻ: Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ mong muốn mang đến bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Từ đó, Hợp tác xã Nhất Tâm được thành lập với quyết tâm xây dựng một hệ thống nuôi trồng, phân phối các sản phẩm thủy sản an toàn đến tận bữa ăn của mỗi gia đình. Chúng tôi đã xây dựng vùng nuôi thủy sản 10.000m2 tại Cồn Khương theo quy trình VietGAP và đã được chứng nhận. Sản phẩm của Hợp tác xã được kiểm chứng bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam”. Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố cũng hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, liên kết sản xuất - tiêu thụ cho các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn. Qua đó, 100% sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng phân phối với các đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp dần hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu.

  Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp theo phương thức liên kết chuỗi giá trị kết hợp với ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ là một trong những giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố. Nó giúp người tiêu dùng nhận diện, minh bạch thông tin sản phẩm từ sản xuất cho đến khi tiêu thụ. Cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu; rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Đây cũng là giải pháp tối ưu trong việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông lâm thủy sản thành phố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.  

Từ những kết quả đạt được, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, Cần Thơ có 35 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 130 sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm sản phẩm sau: trồng trọt như gạo, rau (ăn lá/thân/củ/quả), trái cây; động vật như thịt (gia súc/gia cầm), trứng; nông thủy sản chế biến bao gói kín; thủy sản nước ngọt tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài thành phố. Song song đó, thành phố tiến thêm 1 bước trong phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đó là ứng dụng truy xuất điện tử về thông tin quy trình sản xuất và nguồn gốc sản phẩm trong tất cả các công đoạn từ sản xuất ban đầu cho đến tay người tiêu dùng.

Ông Lâm Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Lâm Nguyễn, đường Nguyễn Văn Linh, quận Bình Thủy (chuyên cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc điện tử), cho biết: Khi áp dụng chương trình gắn tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc điện tử, chúng ta có thể quản lý trang trại từ cây/con giống đến sản phẩm. Chỉ cần 1 mã QR Code cho 1 sản phẩm có thể sử dụng cho nhiều đợt thu hoạch trong năm (không phải in đi, in lại nhiều lần và rất dễ nhầm lẫn). Các thông tin truy xuất nguồn gốc do nhà sản xuất trực tiếp cập nhật hằng ngày theo thời gian thực của sản phẩm nên không thể làm giả. Tem truy xuất nguồn gốc có thể in dễ dàng và cách sử dụng rất linh hoạt: dán trực tiếp, in lên nhãn, in lên tem chống giả...

Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, thời gian tới, để việc gắn tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc điện tử được triển khai thuận lợi, thành phố sẽ đào tạo, hướng dẫn sử dụng và cập nhật, truy xuất thông tin sản phẩm qua hệ thống thông tin điện tử cho các tác nhân tham gia 35 chuỗi và 130 sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo kế hoạch và 10 chuỗi cung ứng đã triển khai trong giai đoạn 2016-2017. Đối với các sản phẩm nông sản như thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả, trái cây; sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến bao gói sẵn sẽ tiến hành xây dựng gắn tem và mã số nhận diện thí điểm bước đầu tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố. Đồng thời xây dựng 1 hệ thống website thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết