07/09/2015 - 20:06

Khẳng định chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo

Năm học 2014-2015, ngành giáo dục TP Cần Thơ gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện chỉ đạo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó là thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi trước kế hoạch 1 năm, là đơn vị dẫn đầu khu vực ĐBSCL số lượng học sinh giỏi quốc gia, chất lượng dạy và học ở từng bậc học tiếp tục được nâng lên...

Kết quả khích lệ

Lãnh đạo thành phố trao cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT cho Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ. 

Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập được các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng xã hội quan tâm và không ngừng củng cố, phát huy thành quả đạt được. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được công nhận đạt chuẩn. Năm học qua, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 99,97%; học sinh tốt nghiệp THCS (cả 2 hệ) đạt tỷ lệ 99,13%; kết quả tốt nghiệp THPT TP Cần Thơ đạt 95,24%...

Năm học qua, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm đầu tư đáng kể. Đến ngày 31-7-2015, thành phố có 161 trường đạt chuẩn quốc gia và xuất hiện cách làm hay ở các địa phương. Điển hình như huyện Cờ Đỏ luôn quan tâm đầu tư nguồn kinh phí địa phương cho việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, địa phương bố trí nguồn ngân sách, vốn xổ số kiến thiết do thành phố cấp và vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Để có mặt bằng xây dựng trường đạt chuẩn, địa phương vận động người dân hiến đất, bán giá rẻ, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố về phân bổ vốn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa. Ngoài lo phần mặt bằng, huyện nhờ đơn vị tư vấn thiết kế công trình trước, vì khi có sẵn hồ sơ, đơn vị tài trợ dễ quyết định theo khả năng… Nhờ vậy, năm học 2014-2015, toàn huyện có thêm 8 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 21 trường. Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, nói: "Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xã hội, người dân nhiệt tình ủng hộ. Thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia góp phần thay đổi cơ bản diện mạo huyện ngoại thành, tạo điều kiện thuận lợi trong huy động trẻ, học sinh đến trường, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục".

Những năm qua, chủ trương xã hội hóa giáo dục được toàn xã hội quan tâm, huy động nguồn lực đóng góp trong xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, đem đến hiệu quả thiết thực. Đến năm 2015, quận Ninh Kiều có 20 trường được hình thành hoặc xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa, góp phần xây dựng hoàn thiện mạng lưới trường lớp. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Thới Lai còn phối hợp với chính quyền đoàn thể các địa phương tìm giải pháp huy động toàn xã hội tham gia nhiều loại hình học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển huyện nhà.

Cần nỗ lực nhiều hơn

Tuy nhiên, quá trình triển khai, hoạt động giáo dục thành phố còn một số khó khăn, vướng mắc. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa thu hút so với tiềm năng, nhất là các quận, huyện ngoại thành. Từng lúc từng nơi còn tồn tại tình trạng học sinh bỏ học; việc huy động học sinh ra lớp một số địa phương gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới trường học ngày càng mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu học bán trú, nhất là khu vực nội ô và khu chế xuất, khu công nghiệp. Cụ thể, Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy còn thiếu phòng học, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động ngoại khóa. Ngành học bậc mầm non và cấp tiểu học ở quận Cái Răng, có đơn vị phải quản lý 3 đến 5 điểm trường, ngành học bậc mẫu giáo học nhờ cấp tiểu học. Hay Trường Mẫu giáo Tân Hưng, quận Thốt Nốt thuộc vùng nông thôn, tuy được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2014 nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, đặc biệt chưa huy động đạt tỷ lệ các độ tuổi ra lớp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ các chuyên đề trong đó có chuyên đề nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ mầm non vẫn còn thiếu so với quy mô phát triển và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của trường… Thực tế cho thấy, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn khó khăn, đa số các trường không đạt tiêu chuẩn về diện tích đất, thiếu quỹ đất cho trường mở rộng, kinh phí đền bù rất lớn… vì thế cần nguồn vốn đầu tư đáng kể trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Bà Kim Cương đề xuất, UBND thành phố kịp thời bố trí nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương còn gặp khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015, đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nhấn mạnh, thời gian tới, ngành giáo dục cần tập trung huy động mọi nguồn lực chăm lo cho giáo dục, quan tâm việc huy động học sinh ra lớp đồng thời tiếp tục nỗ lực xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết