15/11/2012 - 21:52

Khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ

* Đoàn công tác Ban chỉ đạo PCLBTW kiểm tra việc phòng, chống áp thấp nhiệt đới tại các tỉnh Nam Bộ

(CT)- Trưa 15-11-2012, đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chủ trì cuộc họp khẩn về việc tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ. Lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) các cấp đã tham dự cuộc họp.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, hồi 4 giờ ngày 15-11-2012, tâm ATNĐ cách bờ biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ là cấp 6, cấp 7 (đi từ 39km đến 61km/giờ), giật cấp 8. Dự báo, đến 4 giờ sáng 16-11-2012, vị trí tâm ATNĐ xuất hiện trên đất liền các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 7. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có mưa rào và giông, gió mạnh cấp 6, cấp 7. TP Cần Thơ nằm ở rìa phía Tây Tây Bắc ATNĐ này nên thời tiết có nhiều mây; trưa, chiều có mưa, mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa và giông; gió mạnh từ cấp 2 đến cấp 4, có lúc cấp 5 và có khả năng ảnh hưởng đển nhà cửa, cơ sở vật chất, sản xuất nông nghiệp...

Để hạn chế thiệt hại do ATNĐ gây ra, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp... thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Đồng thời, các đơn vị nêu trên thông báo kịp thời tình hình ATNĐ, mưa, lũ, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và ứng phó; tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình đề phòng lốc xoáy xảy ra; theo dõi, nắm chắc thời điểm ATNĐ đi qua trên địa bàn để cho học sinh tạm nghỉ học; có phương án đảm bảo an toàn cho các điểm giữ trẻ tập trung để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn cho trẻ em; phân công cán bộ túc trực và cán bộ phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó ATNĐ; chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai xảy ra; tăng cường gia cố, tôn cao đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, ao hồ nuôi thủy sản, diện tích lúa thu đông, lúa đông xuân 2012-2013 vừa mới xuống giống...

* Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) do Thứ trưởng - Phó trưởng Ban Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã tới các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống ATNĐ.

Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền biết diễn biến ATNĐ chủ động di chuyển phòng tránh, vào nơi neo đậu. Bộ Công an đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với ATNĐ gần bờ. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW thường xuyên cập nhật diễn biến của ATNĐ, tình hình tàu thuyền tại các địa phương; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; đôn đốc các địa phương thực hiện nội dung Công điện số 51/CĐ-TW.

Các tỉnh, thành phố: Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có Công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai công tác ứng phó với ATNĐ gần bờ và có báo cáo tình hình triển khai tại địa phương. Tỉnh Bạc Liêu đã cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ ngày 14-11, TP Hồ Chí Minh cấm tàu thuyền ra khơi từ 0 giờ ngày 15-11. Tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng cho học sinh nghỉ học ngày 15-11.

Theo Báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực - Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương, kết quả kiểm đếm tàu thuyền tính đến 6 giờ ngày 15-10, đã thông báo và hướng dẫn cho 32.197 tàu/199.939 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 6 giờ vừa qua, ATNĐ hầu như ít dịch chuyển. Hồi 13 giờ ngày 15-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

* Để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra do ATNĐ gần bờ trên biển Đông sẽ đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang theo Công điện khẩn số 51/CĐ-TW 14-11 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, trưa 15-11 UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo và yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cho học sinh mẫu giáo và tiểu học nghỉ học từ chiều 15-11 đến hết 16-11-2012; đồng thời các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tạm dừng ngay các cuộc họp cho đến khi hết ảnh hưởng của ATNĐ.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành chỉ huy lực lượng xung kích, dân quân tự vệ tại chỗ giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tình huống xấu; kiểm tra ngay hệ thống đê bao vườn cây ăn trái và vùng nuôi trồng thủy sản, những đoạn xuống cấp có khả năng bị lũ tràn gây vỡ đê, cũng như các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở để kịp thời di dời các hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời phân công bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Đối với các bến đò ngang, đò dọc trên kênh rạch phải ngưng ngay mọi hoạt động đưa rước kể từ 13 giờ chiều 15-11.

H.V-TTXVN-THANH TRIỀU

Chia sẻ bài viết