26/12/2016 - 20:21

Khàn giọng kéo dài

Khi bạn bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt khi không mắc bệnh cảm cúm trước đó; ho có lẫn máu hoặc nuốt khó, cảm giác có khối chẹn lại trong cổ, đau khi nói hay nuốt, thở khó, hay mất giọng hoàn toàn vài ngày, bác sĩ tai mũi họng khuyến cáo, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

* Biểu hiện và nguyên nhân

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Triều Việt, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ, khàn tiếng là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể lành tính hoặc ác tính. Âm thanh của tiếng nói được tạo nên do sự rung của hai dây thanh âm nằm đối diện trong thanh quản. Khi chúng ta ngưng nói, hai dây thanh âm mở ra để chúng ta thở bình thường. Khi rung hai dây thanh âm chạm vào nhau, việc rung dây thanh tạo nên các sóng âm thoát ra thông qua vùng họng, mũi và miệng. Các khu vực này cộng hưởng âm thanh để điều chỉnh giọng nói. Chất lượng giọng nói gồm: cao độ, cường độ và âm thanh được xác định do hình dạng và kích thước của dây thanh âm và sự cộng hưởng của các khoang vùng mũi họng. Đây là lý do khiến giọng mỗi người mang tính đặc trưng. Sự khác biệt giọng mỗi cá nhân là kết quả của việc chúng ta đặt áp lực thế nào trên phát âm. Ví dụ: khi thư giãn dây thanh âm làm giọng sâu hơn, khi căng lên làm giọng tăng lên.

* Các nguyên nhân phổ biến

Ảnh minh họa: Hình ảnh hạt dây thanh và xơ hóa dây thanh bên (trái). Ảnh: T.S 

1. Viêm thanh quản là do sự phù nề tạm thời của dây thanh do cảm cúm, nhiễm khuẩn hô hấp trên hay do dị ứng;

2. Sử dụng giọng nói quá mức như: la hét cổ động thể thao, ca hát...;

3. Trào ngược họng thanh quản, trong trường hợp này người bệnh có cảm giác vướng họng phải cố gắng ho để làm sạch họng và trở nên khàn tiếng, việc điều trị bằng điều chỉnh chế độ ăn phối hợp dùng thuốc;

4. Hạt, polyp và nang dây thanh là những tổn thương lành tính ở dây thanh;

5. Xuất huyết dây thanh;

6. Liệt dây thanh có thể xuất hiện sau chấn thương, sau phẫu thuật tuyến giáp...

7. Ung thư thanh quản liên quan hút thuốc lá, khàn tiếng dần dần đến mất tiếng hoàn toàn, có thể kèm những triệu chứng khác...

* Khi nào nên khám bác sĩ ?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Triều Việt khuyến cáo, nên khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt khi không có cảm cúm trước đó. Bên cạnh đó, nên khám bác sĩ khi ho có lẫn máu hoặc nuốt khó, cảm giác có khối chẹn lại trong cổ, đau khi nói hay nuốt, thở khó hay mất giọng hoàn toàn vài ngày. Chẩn đoán chính xác khàn tiếng dựa vào nội soi thanh quản. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm như chụp X-quang phổi, sinh thiết...

Việc điều trị tùy từng trường hợp cụ thể, có thể cả nội khoa và ngoại khoa. Điều quan trọng nhất là chẩn đoán kịp thời các nguyên nhân gây khàn tiếng kéo dài, tránh để quá muộn, khiến việc điều trị không hiệu quả, ảnh hưởng khả năng giao tiếp, chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh nhân nên tìm bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần hay khi mất tiếng đột ngột.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết