28/11/2016 - 22:00

Khán giả thỏa lòng

"Cơn mê cuối cùng"- do diễn viên Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang diễn tại trường quay VTV Cần Thơ tối 27-11, để lại ấn tượng về nét đẹp của cải lương Nam bộ, trong một vở tuồng được chăm chút đến từng chi tiết cảnh trí, nét diễn.

Ở xứ cù lao vừa mới khai phá, ông Hai Khương được xem là "ông thánh sống", "ông thần hoàng" vì là người mở đất, làm việc nhơn nghĩa. Bi kịch bắt đầu khi Mận- cô gái côi cút mà Hai Khương cứu sống trong một cơn bão và cưu mang trong nhà- có thai. Đó là hậu quả một phút giây lầm lỡ trong cơn say, khi Hai Khương nhớ lại những ký ức thời trai trẻ. Xóm giềng không đời nào nghĩ xấu cho ông Hai, mà đổ việc lầm lỗi ấy cho em vợ Hai Khương là Út Hơn- bộ đội phục viên nửa điên nửa tỉnh do ám ảnh chiến tranh. Trớ trêu hơn, Mận lại là người yêu của Dũng, con trai Hai Khương, đang đi bộ đội. Vòng luẩn quẩn luân thường, đạo lý cùng nỗi ray rứt của những con người lương thiện cuốn hút người xem trong từng lớp diễn.

 NSƯT Thanh Nam và NSƯT Thanh Ngân trong vở “Cơn mê cuối cùng”.

Dấu ấn đậm nét trong vở diễn là vai Út Hơn do NSƯT Thanh Nam thủ vai. Nét diễn khờ khạo, nói chuyện bông đùa có duyên khiến khán giả cười mà thấm. Từng dáng đi, điệu bộ, lời nói của Út Hơn duyên đến mức "nhúc nhích đã thấy khán giả cười". NSƯT Thanh Nam chia sẻ rằng: "Đó giờ tôi diễn hài cho bà con cười. Bữa nay tôi diễn hài cho bà con khóc". Dần về cuối, khán giả mới ngộ ra thật ra Út Hơn đã tỉnh từ lúc được châm cứu trị liệu, nhưng cố gắng điên để nhận tiếng đời, chịu sự phỉ báng của đứa cháu ruột, âm thầm che chở cho Mận. Vai diễn nặng tính cách, tâm lý đó được NSƯT Thanh Nam chuyển tải tròn trịa.

NSƯT Thanh Ngân trong vai Mận cũng đã lấy nước mắt khán giả với diễn xuất dày dặn, giọng ca đẹp. Mận chịu tiếng hư hỏng mà không nói ra sự thật vì biết Hai Khương không cố ý và không muốn làm tan nát gia đình đã cưu mang mình. Vở diễn còn có tuyến nhân vật bà Hai Khương (Y Phương), Dũng (Minh Trường)… để lại ấn tượng đẹp về sự nhân hậu. Những con người biết nghĩ cho nhau, dù trong hoàn cảnh trớ trêu, là mấu chốt để đạo diễn- NSƯT Trần Minh Ngọc khai thác và kết nối tiết tấu, tình huống. Kết thúc vở diễn là cảnh mọi người tha thứ cho nhau, Út Hơn và Mận dìu dắt nhau trong hạnh phúc muộn màng, Hai Khương ở lại, tiếp tục làm việc nhơn nghĩa mà bù đắp lại lỗi lầm, dù lương tâm luôn cắn rứt…

Khán giả xem trực tiếp tại VTV Cần Thơ đa phần giới trẻ. Hiếm có vở cải lương nào mà họ ngồi xem đến cuối, say sưa chụp ảnh, livestream (trực tiếp trên facebook) và khóc cười cùng nhân vật đến vậy. Ngôi chợ nhỏ gần nhà tôi sáng nay cũng nghe bà con bàn tán "Tuồng mà Hề Thanh Nam diễn hồi hôm hay quá". Sự đón nhận đó có lẽ xuất phát từ sự chăm chút, nâng niu của nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang dành cho vở diễn: cảnh trí đồng quê Nam bộ đẹp như tranh, diễn xuất nhập tâm nghiêm túc, kịch bản tròn trịa, lời ca ý thoại sâu sắc. Dàn nhạc cổ do NSND Thanh Hải chỉ huy cho vở diễn những ngón đờn quá điêu luyện. Đặc biệt, không gian Nam bộ được dùng để chuyển tải câu chuyện đời thường hấp dẫn như "món ăn lạ" giữa cơ man những kịch bản khô khan, giáo điều hiện nay.

Một khi người làm nghề chăm chút cho cải lương đúng nghĩa, trân trọng sân khấu, thì cải lương sẽ còn sống hoài, sống mãi.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết