21/07/2016 - 20:25

Khám phá văn hóa Chăm ở Ninh Thuận

Miền đất Phan Rang đầy nắng gió của sa mạc Ninh Thuận vốn dĩ là viên ngọc thô trong làng du lịch Việt Nam. Mọi thứ còn rất tự nhiên, những vẻ đẹp còn tiềm ẩn, đòi hỏi du khách phải lặn lội khám phá. Ngoài cả trăm cây số bờ biển đẹp kỳ vĩ và trong lành với những bờ cát trắng, những rạn san hô đa sắc màu, Phan Rang còn là chiếc nôi của dân tộc Chăm, lưu truyền nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng, nghề truyền thống của ngàn năm trước. Không chỉ có những làng dệt, làng gốm nổi tiếng khắp thế giới, nơi đây còn lưu dấu những kiến trúc cổ tiêu biểu.

Cụm tháp Poklong Garai- Ninh Thuận.

Tháp Chăm nằm rải rác khắp dãy đất miền Trung; trong đó, cụm tháp Poklong Garai- Ninh Thuận đồ sộ và còn khá nguyên vẹn. Tháp chính cao 20,5 mét xây trên bệ cao hơn một đầu người, trông rất uy nghi. Bên trong là chiếc bàn thờ thấp, thầy cúng phải ngồi xuống mỗi khi hành lễ. Kế đó là hai tháp thờ Thần Lửa và tháp cổng, thấp hơn. Bí ẩn trên ngọn tháp này là hoa văn, kiến trúc mà hậu thế không thể lý giải cách thức điêu khắc. Phù điêu được tập hợp từ nhiều viên gạch nhỏ thành một mảng lớn; từng viên gạch nhỏ được điêu khắc rời rạc để ráp lại thành bức tranh hoàn chỉnh. Một bí ẩn khác là sự kết dính giữa các viên gạch mãi trường tồn trước sự khắc nghiệt của thời tiết suốt gần một ngàn năm qua.

 Người Chăm (Ninh Thuận) mang đồ cúng tháp mùa lễ Ka Tê hàng năm.

Cách tháp Poklong Garai không xa là làng gốm Bàu Trúc từng gây kinh ngạc cho các chuyên gia về gốm trên thế giới. Người dân bản địa lấy đất sét từ vùng sông Quao- nguyên liệu tốt nhất và duy nhất để làm gốm. Người ta coi đó như đất mẹ, có thể sinh sôi nảy nở. Bởi thế, sử dụng hàng thế kỷ qua, mỏ đất vẫn còn nguyên. Trước đây, làng gốm chỉ làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu là chứa nước, nấu ăn… Ngày nay, gốm Bàu Trúc trở thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo bởi vẻ thô mộc nhưng đầy tinh tế.

Buổi sáng, gần như cả làng bắt tay vào làm gốm để kịp phơi nắng trưa. Các nghệ nhân đi vòng quanh bàn gốm chứ không dùng bàn xoay như các làng gốm truyền thống khác. Cứ thế, đất vô tri được tạo thành hình với những hoa văn đặc sắc, chỉ riêng có ở gốm Chăm. Sau khi phơi nhiều nắng, gốm khô ráo, người ta mới chất rơm, củi xung quanh và đốt chứ không nung kín như gốm khác. Khi gốm chín có những mảng nâu, mảng đen rất đặc trưng. Trên thế giới, chỉ có hai nơi có kiểu nung gốm này, nhưng chỉ có làng Bàu Trúc ở Việt Nam còn giữ được kiểu nung lộ thiên. Bởi thế, lý giải cho những ngôi tháp không vữa nhưng vẫn kết dính và tồn tại suốt gần mười thế kỷ qua, các nhà khoa học cho rằng gạch được chất thành tháp rồi nung lộ thiên trong nhiều ngày liền. Khi gạch chính thì chúng dính chặt với nhau.

Xuôi về phía Nam chừng 5-10 phút di chuyển bằng xe gắn máy, là làng dệt Mỹ Nghiệp. Người Chăm dù đi đâu vẫn mặc trang phục truyền thống. Dần dà, vải may y phục được sử dụng đa dạng hơn nhưng một số vẫn còn dùng vải dệt làng Mỹ Nghiệp. Điều đặc biệt là nguyên liệu dệt đều do tự tay người Chăm làm lấy theo phương pháp truyền đời từ thuở ban sơ của nghề chứ không dùng sợi công nghiệp. Ngoài những hoa văn truyền thống, người Chăm làng Mỹ Nghiệp còn sáng tạo nhiều hoa văn khác nhau. Những khung dệt cứ ngày đêm rầm rập. Không chỉ người cao niên mà con gái trong làng cũng theo nghề.

Muốn tận hưởng và tìm hiểu kỹ văn hóa Chăm Ninh Thuận, du khách nên nghỉ lại qua đêm tại các khu du lịch cộng đồng của người dân hoặc ở nhờ nhà người dân bản địa.

Bài, ảnh: DU MIÊN

Chia sẻ bài viết