27/03/2012 - 20:50

Khám chữa bệnh bằng công nghệ 3D

Các bác sĩ thuộc Đại học Y khoa Weill Cornell ở New York (Mỹ) cho biết, công nghệ chẩn đoán bằng hình ảnh không gian 3 chiều (3D) là một lĩnh vực rất mới trong y học, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc chữa trị hàng loạt căn bệnh.

 

Công nghệ CAVE (Cave Auto matic Virtual Environment) cơ bản là một căn phòng thực tại ảo 3D, chiếu hình ảnh trực tiếp lên 4 bức tường, cho phép các chuyên gia nghiên cứu cấu trúc phân tử của các tế bào và các bộ phận của cơ thể con người. Với phương pháp này, các bác sĩ có thể tương tác với dữ liệu và thực sự nhìn thấy chúng trong không gian 3 chiều, điều mà trước đây không làm được.

Các bác sĩ tin rằng sử dụng công nghệ CAVE sẽ giúp họ hiểu rõ làm thế nào để nghiên cứu và điều trị hàng loạt căn bệnh trú ngụ ở những nơi mà họ không thể nhìn thấu, chẳng hạn như não bộ. Tiến sĩ Weinstein Harel, Trưởng khoa Sinh lý học và Lý sinh học cho biết với công nghệ mới này, “bạn có thể thấy những prôtêin nào ở cạnh nhau, prôtêin nào kết hợp với nhau ở những điều kiện khác nhau, tại các thời điểm khác nhau ở các bộ phận khác nhau của tế bào, như thể bạn đang đứng trong tế bào vậy”.

Công nghệ CAVE hoạt động bằng cách sử dụng một thuật toán toán học để sắp xếp lại các phân đoạn dữ liệu của ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) 2 chiều bình thường để tạo ra một vật thể dạng 3D. Như vậy, các nhà nghiên cứu có thể đứng bên trong một đại diện của các cấu trúc giải phẫu mà họ đang nghiên cứu để phân tích bệnh trạng.

Tiến sĩ Szilard Kiss, một bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Presbyterian và Đại học Y khoa Weill Cornell, sử dụng công nghệ CAVE để hiểu rõ hơn diễn biến của bệnh ở mắt. Ông cho biết khi chúng ta nhìn vào ảnh X-quang hoặc ảnh MRI, nó sẽ không thể hiện đầy đủ bệnh trạng, nhưng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta thâm nhập vào cấu trúc 3D của nó. Nhờ có công nghệ này mà tiến sĩ Kiss có thể nhanh chóng phát hiện tình trạng các mô sẹo phát triển tràn lên võng mạc là nguyên nhân dẫn đến chứng suy giảm thị lực của một bệnh nhân.

Tiến sĩ Barry Kosofsky, Trưởng Bộ môn Thần kinh học nhi khoa tại Đại học Y khoa Weill Cornell cũng rất kỳ vọng về công nghệ mới này. Hiện ông đang nghiên cứu việc sử dụng cocaine trong thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đến não của thai nhi. Kết quả nghiên cứu cho thấy cocaine có thể ảnh hưởng đến một bộ phận trong não liên quan đến việc kiểm soát vận động và tâm trạng hưng phấn của trẻ. Công nghệ CAVE đã giúp ông Kosofsky phát hiện chính xác cấu trúc nào trong não của trẻ phơi nhiễm cocaine đã thay đổi so với não của nhóm trẻ đối chứng. Với nghiên cứu này, Tiến sĩ Kosofsky hy vọng các bác sĩ có thể sớm xác định được những trẻ có nguy cơ nghiện ngập để kịp thời can thiệp và giúp đỡ chúng.

TRÍ VĂN (Theo Fox News)

Chia sẻ bài viết