26/08/2018 - 16:19

Cần Thơ hợp tác phát triển du lịch với Phú Yên

Khai thác thế mạnh, mở rộng thị trường 

Trong tháng 8, UBND TP Cần Thơ phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch “Đến với Cần Thơ - Đô thị miền sông nước” tại tỉnh Phú Yên. Sự kiện đã đặt ra nhiều nội dung trọng tâm và những giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, thu hút khách giữa hai địa phương, mở rộng ra là hai khu vực ĐBSCL và Duyên hải Nam Trung bộ.

Sức hút từ sự khác biệt

TP Cần Thơ là đầu mối giao thông thủy bộ vùng ĐBSCL trong kết nối với TPHCM và Campuchia, có đường hàng không kết nối với các trung tâm du lịch (Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Lan). Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống cồn dọc sông Hậu còn nguyên sơ và tài nguyên văn hóa lịch sử đa dạng, Cần Thơ thích hợp phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, hội nghị, cộng đồng, văn hóa lịch sử, tâm linh…Những điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của Cần Thơ được nhiều du khách biết đến như: chợ nổi Cái Răng, vườn cây Phong Điền, du lịch cộng đồng cồn Sơn, đờn ca tài tử, các lễ hội dân gian Nam bộ…

Các cô gái Phú Yên trong trang phục áo bà ba Nam bộ hỗ trợ quảng bá các sản phẩm đặc sản Cần Thơ. 
Ảnh: KIỀU MAI

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm giữa đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam. Với đường biển dài 189km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành, bãi tắm... thu hút du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ. Nổi tiếng có gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, bãi Môn - mũi Điện. Phú Yên còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, ẩm thực phong phú. Du lịch Phú Yên nổi bật với ba dòng sản phẩm chính: biển đảo, văn hóa – lịch sử và sinh thái. Đặc biệt, sau hiệu ứng của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn về mặt hình ảnh, là "thiên đường sống ảo” của nhiều bạn trẻ thích phượt.

Sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử ... giúp Cần Thơ và Phú Yên có những nét hấp dẫn thu hút du khách hai chiều. Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhận định: “Sự khác biệt giữa hai vùng đất về văn hóa, con người sẽ trở thành điểm thu hút khách cho hai địa phương và hai khu vực ĐBSCL - Duyên hải Nam Trung bộ. Du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp độc đáo riêng của mỗi vùng, ví như Cần Thơ có sông nước miệt vườn thì Phú Yên có biển đảo”. Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Định, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Du lịch Phú Yên, nói: “Tôi đã từng đến miền Tây và trải nghiệm làm nông dân mặc áo bà ba tát mương bắt cá. Rất thú vị, nhất là khi thưởng thức hương vị cá đồng tại chỗ, nghe đờn ca tài tử. Phú Yên có biển, có hát bài chòi; Cần Thơ có sông nước, có đờn ca tài tử; đều có thể kết nối bổ khuyết cho nhau để thu hút khách”.

Kết nối kịp thời

Trong chuyến quảng bá xúc tiến du lịch của Cần Thơ tại Phú Yên, có nhiều đề xuất về việc kết nối, mở các tuyến, tour; cũng như các giải pháp xây dựng sản phẩm, dịch vụ. Bà Hồ Thị Diệu Hiền, Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Chuyến đi xúc tiến lần này rất kịp thời và đúng lúc đối với các doanh nghiệp lữ hành của hai địa phương. Gần đây, nhu cầu của khách Cần Thơ và ĐBSCL đến Phú Yên rất được quan tâm. Từ đầu năm 2018 đến nay, Vietravel đã đưa khoảng 500 khách đến Phú Yên, lượng khách vẫn còn tăng và đơn vị vẫn đang thiết kế những dòng tour Phú Yên - Quy Nhơn sẽ khai thác vào Tết 2019. Chúng tôi cho rằng Phú Yên sẽ là điểm đến thu hút đông khách trong tương lai rất gần”. Có cùng nhận định, ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Mắt Rồng Phú Yên, cho biết: “Năm 2017, chúng tôi cũng đã làm việc với một số đơn vị tại Cần Thơ để tìm hướng kết nối tour, dịch vụ. Nguồn khách của công ty đi Cần Thơ khá đông. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã đưa khoảng 350 khách đi Cần Thơ, nhu cầu những tháng cuối năm vẫn còn nhiều. Lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ giao lưu kết nối với các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp dịch vụ phía Cần Thơ để hợp tác lâu dài. Đơn vị cũng đặt mục tiêu sẽ đưa khoảng 500-700 khách đến với Cần Thơ và ĐBSCL trong năm tới”. Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Du lịch Phú Yên, cũng cho rằng: “Lần xúc tiến này rất kịp thời, nắm được hơi thở, mong đợi của người Phú Yên; là cơ hội khởi đầu cho sự kết nối hai chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có sự kết nối tour liên tỉnh để tăng sức hút, như về miền Tây thì tuyến Tiền Giang - Cần Thơ - An Giang, còn về miền Trung có Phú Yên - Bình Định - Quy Nhơn”. 

Gành Đá Dĩa là điểm đến thu hút nhiều du khách tại Phú Yên. Ảnh: KIỀU MAI

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhấn mạnh: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên và các doanh nghiệp du lịch sẽ kết nối chặt chẽ với Cần Thơ để vạch ra kế hoạch cụ thể tạo sức hút du khách qua lại”. Trong khi đó, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, bày tỏ kỳ vọng lần quảng bá này góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời khẳng định TP Cần Thơ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, xây dựng hệ thống sản phẩm mới đa dạng và độc đáo, luôn đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến; cùng Phú Yên đưa ra những chương trình hành động cụ thể.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao việc UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến tại Phú Yên, cũng như tạo kết nối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Các địa phương cần đẩy mạnh đồng bộ hơn các chương trình như xúc tiến, quảng bá, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, các dịch vụ phụ trợ, nguồn nhân lực…

Có thể nói chuyến đi xúc tiến quảng bá du lịch tại Phú Yên lần này của TP Cần Thơ không chỉ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, mà còn tạo điều kiện cho các nhà quản lý du lịch, các doanh nghiệp kết nối hình ảnh, thông tin; mở ra thị trường mới cho cả hai phía.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận: “Cần Thơ và Phú Yên là hai địa phương phát triển du lịch rất nhanh, từng bước ghi những dấu ấn riêng, trở thành điểm đến được quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng tỉnh Phú Yên và TP Cần Thơ sẽ có những hợp tác hiệu quả, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương, mở rộng ra khu vực ĐBSCL và Duyên hải Nam Trung bộ. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng hai địa phương trong quá trình phát triển, quảng bá du lịch; vận động các doanh nghiệp quan tâm kế hoạch phát triển du lịch của địa phương; hỗ trợ kết nối quảng bá, xúc tiến nội địa”.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết