17/03/2018 - 17:14

Khai thác hiệu quả kinh tế dừa Xiêm xanh và bưởi da xanh Bến Tre 

Dừa Xiêm xanh và bưởi da xanh là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Bến Tre. Tỉnh đang từng bước xây dựng danh tiếng cũng như đảm bảo thị trường tiêu thụ cho 2 sản phẩm này, góp phần nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Hiện 2 sản phẩm này đã có chỉ dẫn địa lý.

Giá trị kinh tế cao

Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, dừa… Trong đó, dừa (gồm dừa Xiêm xanh) và bưởi da xanh được tỉnh Bến Tre xác định là những cây trồng chủ lực của địa phương; toàn tỉnh hiện có 70.127 ha dừa (trong đó gần 8.000 ha dừa Xiêm xanh), trên 7.200 ha bưởi da xanh với sản lượng khoảng 57.000 tấn/năm. Dừa Xiêm xanh được trồng chuyên canh ở hầu hết các huyện của tỉnh Bến Tre, tập trung nhiều nhất là ở 2 huyện Châu Thành và Giồng Trôm.

Bưởi da xanh Bến Tre có hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Vườn bưởi da xanh ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc đang cho trái.

Dừa Xiêm xanh với các đặc điểm như trái sai, nước ngọt và có sự khác biệt so với các giống dừa Xiêm xanh trồng ở các địa phương khác nhờ ưu thế về đất đai, khí hậu và phương thức canh tác của người dân Bến Tre. Nhờ những ưu thế này, dừa xiêm xanh Bến Tre ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mêkông có nhà máy chế biến dừa Xiêm xanh Bến Tre xuất khẩu (đặt tại huyện Châu Thành), trung bình mỗi tháng công ty xuất đi khoảng 25-30 container (mỗi container khoảng 20.000 trái dừa Xiêm xanh uống nước) sang các thị trường như: Úc, Mỹ, Nhật, Singapore, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan… Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mêkông, cho biết: Dừa Xiêm xanh Bến Tre có triển vọng phát triển rất lớn, do người tiêu dùng ngày càng chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm và tìm đến những sản phẩm sạch, tự nhiên. Ngoài sản phẩm dừa trái uống nước, công ty đang triển khai sản phẩm mới là dừa tươi tự nhiên đóng hộp.

Theo ông Bùi Dương Thuật, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm dừa Xiêm xanh khoảng 100 ha, còn lại công ty thu mua dừa từ thương lái. Hiện nay, đôi lúc do thiếu nguyên liệu dừa Xiêm xanh uống nước, nên nhà máy của công ty mới hoạt động khoảng 70% công suất. Trong 4 năm trở lại đây, giá dừa Xiêm xanh tương đối tốt, thuận lợi cho nông dân phát triển cây trồng này; công ty thường thu mua tại vườn với giá 85.000 đồng/chục (12 trái), có thời điểm cao nhất lên đến 160.000 đồng/chục… Với những nỗ lực phát triển cây trồng đặc sản địa phương này, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để mở rộng thị trường đầu ra cho dừa Xiêm xanh.

Đối với bưởi da xanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà vườn khá cao, nhờ giá bán dao động ở mức cao từ 35.000 đến hơn 50.000 đồng/kg. Ông Ngô Ngọc Thanh, ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre trồng bưởi da xanh được khoảng 14 năm nay, cho biết: “Tôi trồng 1,5 công bưởi da xanh từ năm 2009. Những năm gần đây, giá bưởi ở mức cao, trồng bưởi hiệu quả kinh tế cao. Năm qua, 1,5 công bưởi cho hơn 4,8 tấn trái, giá bình quân 37.000 đồng/kg, tôi thu được 179 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 140 triệu đồng”. Theo ông Thanh, cách nay 3 năm ông trồng thêm 4 công bưởi, hiện nay vườn bưởi mới bắt đầu cho trái chiếng, thời gian tới thu nhập từ bưởi da xanh còn tăng thêm.

Tuy nhiên theo ông Ngô Ngọc Thanh và nhiều nhà vườn, chất lượng bưởi da xanh Bến Tre ngon, nhưng khi đưa ra thị trường người tiêu dùng chưa phân biệt được. Do vậy, cần có nhãn hiệu để nhận biết và truy xuất chỉ dẫn địa lý bưởi da xanh Bến Tre để cho trái bưởi Bến Tre có giá trị kinh tế cao hơn.

Quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng

Mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là dừa uống nước Xiêm xanh và bưởi da xanh. Đây là cơ sở pháp lý bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm và cũng để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người trồng, người sản xuất, kinh doanh về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” nói riêng.

Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho dừa uống nước Xiêm xanh và Bưởi da xanh. Khu vực địa lý của dừa uống nước Xiêm xanh Bến Tre ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và TP Bến Tre. Đặc thù của sản phẩm dừa uống nước Xiêm xanh có hình tròn, màu xanh, trọng lượng trung bình từ 1,3-1,36 kg/trái… Khu vực địa lý của bưởi da xanh Bến Tre ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Bình Đại và thành phố Bến Tre. Đặc thù của sản phẩm bưởi da xanh có hình cầu, màu xanh đến xanh hơi vàng; trọng lượng trung bình từ 1,3-1,4 kg/trái... Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là UBND tỉnh Bến Tre.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, để phát huy thế mạnh của 2 sản phẩm khi đã có chỉ dẫn địa lý, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc chọn và nhân giống để bảo tồn, nâng cao chất lượng của 2 loại trái ngon này. Đồng thời xây dựng vườn mẫu, vườn hữu cơ, liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hệ thống các công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chuỗi giá trị; quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, xây dựng mã vạch để truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Nghiên cứu triển khai đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo tiền đề để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu 2 mặt hàng này.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho bưởi da xanh và dừa uống nước Xiêm xanh là cơ sở cho các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh và dừa uống nước Xiêm xanh Bến Tre cần được thực hiện trên cơ sở định hướng tổng thể cho các sản phẩm chủ lực này của địa phương, nhằm xây dựng và triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại phù hợp.

Tại buổi công bố chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nhấn mạnh: Đây là sự kiện rất đặc biệt cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, cũng là dịp để quảng bá rộng rãi, toàn diện giá trị của bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trên cơ sở đó phát huy và khai thác hiệu quả, nâng cao giá trị của 2 sản phẩm chủ lực cho nông nghiệp của Bến Tre.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết