15/10/2014 - 22:10

Khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch - Techmart Cần Thơ 2014

* Hơn 120 công nghệ, thiết bị tiêu biểu sẵn sàng cung cấp và chuyển giao
* Khuyến khích xử lý ao nuôi thủy sản bằng giải pháp sinh học
* Nhiều công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản hàng nông, thủy sản

(CT)- Techmart Cần Thơ 2014 do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc tế Cần Thơ chính thức khai mạc vào sáng 15-10 và sẽ kéo dài đến ngày 16-10-2014.

Tham dự Techmart Cần Thơ 2014 có 30 gian hàng của 25 đơn vị, doanh nghiệp đến từ TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, gồm: các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm phát triển công nghệ và thiết bị, trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói nông sản sau thu hoạch và nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đây là những đơn vị, doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao phù hợp nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ tập trung giới thiệu, trưng bày các công nghệ và thiết bị mới phục vụ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến và đóng gói nông sản sau thu hoạch và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Có hơn 120 công nghệ và thiết bị tiêu biểu sẵn sàng cung cấp và chuyển giao được giới thiệu tại Techmart Cần Thơ 2014. Đặc biệt, với mục tiêu nhằm gắn kết KH&CN với sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu KH&CN trong nông nghiệp tại ĐBSCL, Techmart Cần Thơ 2014 còn có hoạt động tư vấn KH&CN; diễn ra 3 buổi hội thảo với 8 chuyên đề giới thiệu công nghệ và thiết bị. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể tham vấn với các chuyên gia thông qua các buổi hội thảo hoặc tư vấn trực tiếp tại khu vực tư vấn.

Khách tham quan tìm hiểu các thiết bị và công nghệ trong ngày khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch 2014 - Techmart Cần Thơ 2014. Ảnh: VĂN CỘNG

* Trong khuôn khổ Techmart Cần Thơ 2014, sáng 15-10, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ diễn ra hội thảo giới thiệu công nghệ xử lý ao nuôi thủy sản bằng các giải pháp sinh học.

Tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu về quy trình sản xuất, ứng dụng chế phẩm sinh học dạng viên Ricotab trong xử lý ao nuôi thủy sản, ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn sinh học và kỹ thuật chọn, tạo giống trong nuôi trồng thủy, hải sản bền vững. Theo các chuyên gia, trong phát triển nuôi các loại thủy sản như: cá tra, tôm nước lợ…, việc xử lý tốt nước ao nuôi rất quan trọng, giúp các đối tượng nuôi phát triển tốt và ít xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, có nhiều biện pháp xử lý ao nuôi thủy sản, nhưng người dân cần lựa chọn các giải pháp sinh học vì mang lại nhiều hiệu quả tốt cho sản xuất và môi trường. Cụ thể: ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn sinh học trong nuôi cá tra giúp sử dụng tài nguyên đất, nước tiết kiệm và hạn chế tối đa việc thay nước ao nuôi và thải chất thải rắn ra môi trường, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong quá trình nuôi. Đồng thời, nâng tỷ lệ sống và giảm thiểu xuất hiện bệnh cho cá nuôi, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cá đạt các tiêu chuẩn nuôi tiên tiến của thế giới. Hiện hệ thống công nghệ lọc tuần hoàn sinh học trong nuôi cá tra đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng cho một số đơn vị, doanh nghiệp…

* Trong khuôn khổ Techmart Cần Thơ 2014 đã diễn ra các hội thảo chuyên đề: Công nghệ sản xuất Chitosan từ phụ phẩm chế biến thủy, hải sản; Công nghệ nuôi tôm công nghiệp thâm canh trong nhà màng và Công nghệ lạnh siêu tốc trong bảo quản thực phẩm, các sản phẩm tiêu biểu.

Tại hội thảo, PGS.TS Ngô Đại Nghiệp, Giảng viên Trường Đại học khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh giới thiệu về Chitosan và các hoạt tính sinh học. Chitosan là một loại polyme sinh học với những ưu điểm như: dễ phân hủy sinh học, nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào (vỏ tôm phế liệu) và rẻ, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải từ vỏ tôm gây ra. Ở Việt Nam, Chitosan được sản xuất từ vỏ tôm đã được sử dụng thay hàn the trong sản xuất bánh cuốn, chả lụa, bánh su sê... không làm mất màu, mùi vị của sản phẩm. Trong thực tế Chitosan được dùng để đựng và bảo quản các loại rau, củ quả và ứng dụng trong các lĩnh vực như: y học, xử lý nước thải, công nghiệp nhuộm, giấy, mỹ phẩm, thực phẩm…

Công nghệ nuôi tôm công nghiệp thâm canh của Công ty TNHH Nhà Nguyễn được thực hiện trong nhà màng ở giai đoạn tôm còn nhỏ giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư ban đầu cho nông dân. Ưu điểm của giải pháp này là: cầu nối giữa nhà sản xuất và nhà máy chế biến, nhà sản xuất giống sẽ ổn định được số lượng nhu cầu cần và thị trường con giống sẽ tránh được "điệp khúc" cung không gặp cầu. Giải pháp này còn giúp cho nhà máy chế biến có được nguồn nguyên liệu ổn định, không phải dự trữ để sản xuất, tiết kiệm vốn lưu động, tiết kiệm chi phí lưu trữ tồn kho.

Công nghệ cấp đông nhanh trong nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ lạnh Á Châu ARICO thích hợp để cấp đông loại sản phẩm dạng tấm mỏng (cá fillet) và cấp đông các sản phẩm giá trị gia tăng (tôm nobashi ép vỉ). Công nghệ sử dụng băng tải dạng tấm phẳng, sản phẩm sau khi cấp đông dễ dàng tách rời khỏi bề mặt băng tải và không có những tì vết trên bề mặt như khi cấp đông bằng các loại băng tải lưới…

VĂN CỘNG - NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết