26/12/2017 - 16:16

Khắc phục sự lẫn lộn giữa tạp chí điện tử và báo điện tử 

Bộ TT&TT sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về báo chí và thông tin điện tử, trong đó có quản lý các văn phòng đại diện, phóng viên, công tác viên; các điều kiện cấp phép thành lập cơ quan báo chí; khắc phục bằng được sự lẫn lộn giữa tạp chí điện tử và báo điện tử, giữa trang thông tin điện tử và báo điện tử;...

Ảnh: VGP/Mạnh Hùng


Bộ TT&TT cho biết thông tin trên tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 26/12 tại TPHCM với sự tham dự của hơn 650 đại biểu.

Có luật nhưng vẫn vi phạm

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, năm 2017, báo chí cơ bản bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự thống nhất ý chí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần tạo động lực tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Tuy nhiên, dù hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí ngày càng hoàn thiện, rõ ràng, Luật Báo chí đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, nhưng hoạt động báo chí vẫn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, vi phạm của các cơ quan báo chí thể hiện ở việc không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực, mà sa đà vào những vấn đề khác, không đúng tôn chỉ mục đích, không đúng đối tượng. Nhiều báo, tạp chí tập trung khai thác, phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân.

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng thông tin không đúng sự thật, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp với định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước,... Một số phóng viên, biên tập viên lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của tờ báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí.

Người đại diện của cơ quan quản lý báo chí cho rằng, đây là lý do mà năm 2017, Bộ TT&TT phải thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời 5 trường hợp. Cũng trong năm, có tới 12 nhà báo đã bị thu hồi Thẻ nhà báo.

Báo in giảm, phát thanh và truyền hình đối diện khó khăn

Đánh giá về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, do sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử và các phương tiện truyền thông trên internet, số lượng phát hành và quảng cáo của báo chí in giảm nhiều. Trong khi đó, khối phát thanh, truyền hình có sụt giảm do nguồn thu từ quảng cáo và chi phí sản xuất chương trình và phí bản quyền lại tăng cao.

Năm 2017, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực báo chí in và điện tử khoảng 2.600 tỷ đồng; phát thanh, truyền hình khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang chịu sự chi phối ngày càng mạnh của Google và Facebook. Hiện Google và Facebook chiếm khoảng 66% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước. Các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) chiếm 27% thị phần. Các trang web trong nước (gồm cả báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội) chỉ chiếm 7% thị phần.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng tên miền gây nhầm lẫn

Cho rằng, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, người dân khẳng định tiếp tục quan tâm và đòi hỏi phải nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, thay mặt cơ quan quản lý, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2018.

Theo đó, cần bám sát các vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo ý chí thống nhất, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.

Triển khai có hiệu quả và đúng quy định của Luật Báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và quy hoạch phát triển báo chí sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về báo chí và thông tin điện tử, trong đó có quản lý các văn phòng đại diện, phóng viên, công tác viên; các điều kiện cấp phép thành lập cơ quan báo chí; khắc phục bằng được sự lẫn lộn giữa tạp chí điện tử và báo điện tử, giữa trang thông tin điện tử và báo điện tử; xử lý nghiêm việc lợi dụng tên miền gây nhầm lẫn của báo chí điện tử và trang thông tin điện tử; giảm số lượng ấn phẩm phụ của các cơ quan báo chí…

Để thúc đẩy kinh tế báo chí, cơ quan quản lý báo chí cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường sự tham gia của Nhà nước như một “khách hàng” của báo chí, hoàn thiện cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công đối với một số cơ quan báo chí trọng điểm; kiểm soát hoạt động truyền thông xuyên biên giới…

Ngoài ra, công tác quản lý cũng sẽ tập trung vào khắc phục khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đăng tải quá nhiều thông tin tiêu cực, mặt trái của xã hội, phản cảm, giật gân, câu khách… Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ báo chí, ý thức trách nhiệm xã hội cho đội ngũ những người làm báo.

Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết, hiện cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (Trung ương: 86, địa phương: 99), 664 tạp chí (Trung ương: 530, địa phương 134).

Có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép; 178 giấy phép lập trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với số kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép lên đến 281 kênh; có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 13 triệu thuê bao, doanh thu đạt gần 8.000 tỷ đồng. Hiện có hơn 18.000 nhà báo đã được Bộ TT&TT cấp Thẻ nhà báo, trong đó báo chí in và báo chí điện tử khoảng hơn 12.000 người và phát thanh, truyền hình hơn 6.000 người.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết