14/09/2011 - 21:38

Khắc phục hạn chế, thực hiện tốt hơn thủ tục hành chính

Cải cách hành chính nói chung, TTHC nói riêng, được Đảng, Chính phủ xác định là 1 trong 3 khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực của TP Cần Thơ trong việc thực hiện kiểm soát TTHC. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt hơn trong công tác này, thành phố cần phải khắc phục một số tồn tại, hạn chế...

Bước chuyển mới

Qua 5 ngày làm việc tại Cần Thơ (từ ngày 5-9 đến ngày 9-9-2011), Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại một số cơ quan, ban, ngành của thành phố. Bà Mạnh Hà, Chánh Văn phòng UBND thành phố, cho biết: “Từ ngày 15-3-2011 đến ngày 17-8-2011, UBND thành phố đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó, có 4 văn bản QPPL có quy định về TTHC. Thời gian qua, Phòng Kiểm soát TTHC đã theo dõi rất sát sao tình hình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương, có phối hợp với phòng chuyên môn của Văn phòng tham gia ý kiến trước khi trình UBND thành phố ban hành”.

 Thành viên trong Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đang kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã ban hành 14 quyết định công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ TTHC thuộc phạm vi chức năng của một số sở, ngành và quyết định công bố sửa đổi, bổ sung Bộ TTHC áp dụng chung tại cấp huyện, cấp xã. Theo đánh giá của Đoàn công tác, các quyết định công bố được ban hành đúng thẩm quyền (Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền). Các bộ phận cấu thành của một quyết định công bố đầy đủ theo đúng hướng dẫn của Cục Kiểm soát TTHC. Các dữ liệu, thông tin được cập nhật vào phần mềm máy xén (là phần mềm khi nhập các TTHC vào, nếu nội dung trùng, không cần thiết thì máy sẽ tự loại bỏ) đối với mỗi TTHC là trùng khớp với nội dung quyết định công bố...

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính thuộc TP Cần Thơ đã thực hiện việc niêm yết công khai các Bộ TTHC do UBND thành phố công bố tại 20 sở, ban, ngành, 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn. Các TTHC, biểu mẫu đơn, mẫu tờ khai và các văn bản QPPL có liên quan đều được niêm yết công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tra cứu. Công tác truyền thông, công khai TTHC đều được các cơ quan, đơn vị thực hiện khá tốt. Nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến, công khai được áp dụng như: Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của địa phương, thông báo trên các loa truyền thanh, thực hiện đóng quyển, niêm yết tại trụ sở cơ quan nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục... Đặc biệt, tại UBND quận Ninh Kiều và UBND huyện Phong Điền đã triển khai rất tốt áp dụng mô hình Một cửa hiện đại có trang bị hệ thống máy tính cảm ứng tạo điều kiện dễ dàng cho cá nhân, tổ chức tra cứu thủ tục cũng như xác định tiến độ giải quyết hồ sơ cụ thể. Ngoài ra, ở UBND huyện Phong Điền còn trang bị hệ thống camera theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục của CBCC...

Còn nhiều vướng mắc...

Theo đánh giá của Đoàn công tác, mặc dù thành phố có những nỗ lực trong thực hiện kiểm soát TTHC, tuy nhiên, một số ít TTHC được công khai còn thiếu đính kèm mẫu đơn, mẫu tờ khai, văn bản QPPL của địa phương quy định về TTHC. Một số thủ tục khi niêm yết còn chưa đủ và rõ về thành phần hồ sơ, như: Thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục kết hôn với người trong nước... Các thủ tục trong phần mềm máy tính được trang bị tại UBND quận Ninh Kiều và UBND huyện Phong Điền còn chưa đầy đủ các lĩnh vực theo Quyết định công bố (phần mềm vi tính có 8 lĩnh vực, tuy nhiên, theo quyết định công bố số 1726/QĐ-UBND có 11 lĩnh vực); phần mềm cũng chưa đính kèm mẫu đơn, mẫu tờ khai và các văn bản QPPL do địa phương ban hành.

Về thực hiện giải quyết TTHC, ở một vài đơn vị vẫn còn một số trường hợp thành phần hồ sơ giải quyết TTHC không phù hợp với quy định, như: Hồ sơ giải quyết thủ tục “Đăng ký lại việc sinh” được kiểm tra tại UBND xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, đã phát sinh thêm Giấy xác nhận hộ tịch của Sở Tư pháp; hay hồ sơ giải quyết thủ tục “Điều chỉnh giảm diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được kiểm tra tại UBND huyện Phong Điền thì lại thừa tờ khai “Lệ phí trước bạ nhà, đất”. Ngoài ra, tại các phường, xã được kiểm tra thì một số hồ sơ lưu đều chưa có phiếu hẹn trả kết quả (thủ tục cấp giấy phép xây dựng tạm tại UBND xã Giai Xuân; các thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp của UBND phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Một số trường hợp chưa cung cấp được hồ sơ lưu như: các thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại phường, xã...

Bà Mạnh Hà, Chánh Văn phòng UBND thành phố, cho biết: Văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã ban hành, nhưng các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành lại chậm ban hành, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai hoạt động. Thậm chí, nội dung văn bản còn quy định chồng chéo, chưa thống nhất, như lĩnh vực giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp. Mặt khác, khi nhập các TTHC được sửa đổi, bổ sung hoặc được ban hành mới vào Cơ sở dữ liệu quốc gia thì vướng do các văn bản luật mới ban hành không được cập nhật kịp thời, đồng bộ trên mạng nên làm chậm tiến độ nhập các thủ tục vào phần mềm máy xén. Do đó, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Cục Kiểm soát TTHC, các TTHC này khi công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia không hoàn chỉnh, làm mất thời gian cho các địa phương phải nhập và gửi văn bản đề nghị công khai nhiều lần...

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Trưởng Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đề nghị thành phố cần tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động các dự thảo văn bản QPPL về TTHC theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; tăng cường xây dựng năng lực nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho tất cả các công chức về kỹ năng rà soát, đánh giá tác động và tính toán các chi phí đối với quy định về TTHC; nghiêm túc thực hiện việc công bố TTHC và cập nhật kịp thời vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Sở Tư pháp và các sở ngành nghiêm túc thực hiện tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định công bố TTHC tại 3 cấp, đảm bảo thời gian quy định theo pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, yêu cầu Văn phòng UBND thành phố tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết